"Giá hàng hóa tăng đột biến và sự gián đoạn chuỗi cung ứng làm gia tăng áp lực lạm phát khiến đồng tiền mất giá, chi phí lương thực và nhiên liệu tăng chóng mặt,” bà Vera Songwe, Phó TTK LHQ cho biết.
|
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm và hàng hóa cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 5/6/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Đối với các nền kinh tế châu Phi vẫn chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng Ukraine không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn, bà Vera Songwe, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA), cho biết.
"Giá hàng hóa tăng đột biến và sự gián đoạn chuỗi cung ứng làm gia tăng áp lực lạm phát khiến đồng tiền mất giá, chi phí lương thực và nhiên liệu tăng chóng mặt,” bà Songwe nhấn mạnh. Bà lưu ý rằng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, giá dầu đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2008, giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm và giá phân bón đã tăng gần 30%.
Cũng theo bà Songwe, sự bất ổn do đại dịch COVID-19 đã dẫn đến dòng vốn ồ ạt chảy khỏi lục địa này và gánh nặng nợ của các quốc gia ngày càng nặng nề. Hơn 40 tỷ USD khoản nợ sẽ đến hạn thanh toán vào năm 2021 và tiền trả lãi dự kiến sẽ vượt 7% GDP của châu Phi trong năm 2022 ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Bà nhấn mạnh rằng việc khai thác tiềm năng kinh tế lớn của châu Phi chỉ có thể thực hiện được nếu các nước phát triển lớn và các nền kinh tế mới nổi làm việc cùng nhau để thiết kế một hệ thống tài chính toàn cầu bao trùm và hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu nợ và tính thanh khoản của châu lục./.