Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/08/2022-11:08:00 AM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xếp hạng thứ hai về chuyển đổi số cấp bộ năm 2021
(MPI) – Theo Công kết quả xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), Bộ Kế hoạch và Đầu tư xếp thứ 02/17 ở nhóm các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, với giá trị DTI đạt là 0,6126, tăng 01 bậc so với năm 2020.

Đây là năm thứ hai Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chủ đề "từng bước trưởng thành qua việc khẩn trương triển khai công nghệ phòng, chống dịch bệnh".

Giá trị trung bình DTI 2021 0,4595 tăng 15,4% so năm 2020 (0,3982). Điểm nổi bật kết quả DTI 2021 là, so với năm 2020, giá trị DTI 2021 cấp bộ cung cấp DVC tăng khoảng 15,4%; Giá trị DTI 2021 cấp bộ không cung cấp DVC giảm không đáng kể; Giá trị DTI 2021 cấp tỉnh có mức tăng đáng kể nhất, khoảng 32,7%.

Trên cơ sở kết quả DTI 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chỉ số trung bình DTI 2021 của các bộ, tỉnh còn thấp, chưa đạt 0.5 và đề nghị bộ, ngành, địa phương quyết tâm, quyết liệt, dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được các mục tiêu đến năm 2025.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao mức độ chuyển đổi số của mình qua đánh giá DTI hằng năm để có những giải pháp thúc đẩy phù hợp, khắc phục những mặt còn hạn chế, theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực, địa phương, không chạy theo phong trào.

Căn cứ DTI cấp bộ, cấp tỉnh, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng DTI các cấp trực thuộc để có thể theo dõi, đánh giá DTI các cấp quản lý của mình từ đó có đôn đốc, thúc đẩy kịp thời.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt để thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, trong đó chuyển đổi số được xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.

Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch COVID-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người; gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi và thích ứng.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, nội hàm chuyển đổi số của Việt Nam bao gồm các yếu tố tạo nền móng chuyển đổi số và ba trụ cột chuyển đổi số đó là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Theo Báo cáo sơ kết chuyển đổi số trong 06 tháng đầu năm 2022 về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, Bộ đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và các địa phương, hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động phổ cập chuyển đổi số trực tiếp cho các địa phương, bao gồm nhận thức về tầm nhìn, chiến lược, kiến thức chuyển đổi số nói chung và nâng cao năng lực chuyển đổi số trong một số nghiệp vụ cụ thể của doanh nghiệp. Khoảng hơn 30.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo để nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực chuyển đổi số./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 932
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)