Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/11/2012-10:30:00 AM
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2012: Quyết tâm thực hiện được mục tiêu đề ra
(MPI Portal) - Chiều ngày 29/11, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Họp báo Chính phủ đã thông báo tình hình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2012. Nội dung chủ yếu của Họp báo là thông báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012.
Tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012 được đánh giá là có chuyển biến tích cực, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm mạnh từ mức 2,2% trong tháng 9 xuống còn 0,85% trong tháng 10 và 0,47% trong tháng 11. CPI tháng 11 tăng 6,25% so với tháng 12/2011 và tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm CPI tăng khoảng 7,5%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời họp báo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,15% so với cuối năm 2011. Đứng trước quyết định của Chính phủ về áp dụng trần lãi suất huy động 8%, có nhiều ý kiến băn khoăn rằng thay vì để thị trường tự vận hành thì việc áp dụng những biện pháp hành chính liệu có hợp lý. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định rằng, với một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc áp dụng một số biện pháp hành chính là phù hợp với sự vận hành của thị trường và quyết định giảm lãi suất huy động là phù hợp với tình hình lạm phát.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số tồn kho giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 11 tháng đầu năm tăng 4,6%.
Sản xuất nông nghiệp tuy chịu thiệt hại do bão số 8 vẫn đạt tăng trưởng khá, khó khăn trong chăn nuôi từng bước được khắc phục. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng 10; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,25 tỷ USD, tăng 0,8%; nhập siêu 50 triệu USD. Tính chung 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 103,98 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 11 tháng đầu năm ước đạt khoảng 14 triệu USD bằng 0,01% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 593,42 nghìn tỷ đồng, bằng 80,1% dự toán. Tổng chi NSNN ước đạt trên 747,2 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7% dự toán.
Tình hình an sinh phúc lợi được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm khá mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại thu được nhiều kết quả quan trọng.
Còn nhiều khó khăn tồn tại, quyết tâm thực hiện được các mục tiêu đề ra
Bên cạnh những kết quả khả quan được ghi nhận, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao trở lại. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được xử lý. Xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực đầu tư nước ngoài; sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; sức mua thị trường thấp; sản xuất, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đứng trước những khó khăn, thách thức còn tồn tại và hướng tới mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong tháng 12 và cả năm 2012, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tập trung và một số giải pháp. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt; xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng cao trở lại; tăng cường dự trữ ngoại tệ.
Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại; thực hiện các giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu. Các giải pháp giải quyết nợ xấu phải được phân tích và có lộ trình phù hợp và đồng bộ. Nợ xấu có liên quan đến hàng tồn kho và bất động sản. Theo đó, để giải quyết nợ xấu các ngân hàng có thể dùng nguồn lực của chính ngân hàng mình để giải quyết đối với từng doanh nghiệp, từng khoản nợ theo quy định của pháp luật; đồng thời trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Nợ đọng trong xây dựng cơ bản do dự toán vượt quá năng lực ngân sách nếu được giải quyết cũng sẽ góp phần giải quyết một khoản lớn nợ xấu của các doanh nghiệp. Đồng thời, cơ chế, chính sách mới được đề xuất hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở nhằm vừa đảm bảo cuộc sống của người dân vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trườngbất động sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ nhóm hàng vật liệu xây dựng tồn đọng cũng có thể góp phần giải quyết tình trạng nợ xấu.
Ý kiến chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là cần tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng hợp lý… phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2012, tạo đà cho năm bản lề 2013. Tích cực, khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, nhiệm vụ của năm 2013 ngay từ bây giờ trong đó hết sức lưu ý tới nhiệm vụ kiểm soát giá cả, lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội của năm 2013; đảm bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2013 sâu sát, cụ thể.
Cần tiếp tục rà soát các khoản thu, tăng cường công tác NSNN; quản lý chi tiêu chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm cân đối NSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác giám sát, thanh tra bảo đảm hiệu quả đầu tư công. Rà soát kiểm tra các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Phối hợp chặt chẽ trong quản lý thị trường giá cả, bảo đảm cân đối cung – cầu đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán. Đẩy mạng hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu; nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo về thị trường thế giới. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội. /.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1179
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)