(MPI) - Ngày 18/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về việc triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư và Hợp đồng xây dựng - kinh doanh -chuyểngiao (BOT). Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướngmắcliên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Căn cứ kế hoạch đầu tư công hàng năm và khả năng cân đối nguồn vốn, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu việc bố trí nguồn vốn thực hiện Dự án. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Theo đó, Thành phố Hà Nội theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương của Dự án trong giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án thành phần, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Nghị quyết nêu rõ, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần được Quốc hội phân cấp làm cơ quan chủ quản. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần gồm: Nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Nhóm dự án thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị); Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến các dự án thành phần bằng nguồn vốn đầu tư công trong 02 năm 2022 và 2023. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ. Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; trình tự thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác liên quan.
Cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án cũng như cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án thành phần; các thủ tục nêu trên cần tuân thủ đúng các giai đoạn, bước thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư