(MPI) – Ngày 06/9/2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế cao cấp, giàu kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn; đại diện một số bộ, ngành, viện nghiên cứu.
|
TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
phát biểu tại Hội thảo.Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một trong những nội dung quan trọng của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là “Cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế theo hướng tăng cường liên kết, hình thành các cụm liên kết, ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường sức chống chịu gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế” với mục tiêu chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng đầu vào của sản xuất sang tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thực tiễn giai đoạn 2016-2020, cơ cấu lại ngành kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như liên kết ngành, vùng được thúc đẩy; cơ cấu ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp được tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng; một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại và trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các và tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài.
Hội thảo được nghe đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM trình bày báo cáo Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam. Báo cáo đưa ra cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về cơ cấu lại các ngành kinh tế hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu; Thực trạng cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường tính chống chịu của nền kinh tế; Mục tiêu, quan điểm và đề xuất nhằm tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
|
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Cơ cấu lại các ngành kinh tế nhằm phát triển cụm liên kết ngành là tăng khả năng cạnh tranh và năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp trong các ngành riêng biệt, nhằm thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như giúp đa dạng hóa nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực kinh tế cùng liên kết, hợp tác phát triển, sẽ tạo ra các chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ, từ đó tạo ra được sức cạnh tranh và sức chống chịu tốt hơn cho từng doanh nghiệp nói riêng, cũng như các ngành kinh tế nói chung trên cả thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế.
Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành và tăng cường khả năng chống chịu giai đoạn 2021-2025 như tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò của liên kết ngành trong cơ cấu ngành kinh tế; Lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; Giải pháp về thị trường cho phát triển cụm liên kết ngành kinh tế; về vốn và thu hút đầu tư cho phát triển cụm liên kết ngành; đẩy mạnh liên kết, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế. Đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường sức chống chịu của ngành kinh tế trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết và nâng cao sức chống chịu giai đoạn 2021-2025; tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hình thành cụm liên kết ngành và nâng cao sức chống chịu; cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng hình thành cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những ý kiến, góc nhìn quý báu về kết quả cơ cấu lại nền ngành kinh tế trong suốt những năm vừa qua, ưu tiên cải cách hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn đến năm 2025. Những nội dung trao đổi cởi mở, thẳng thắn để CIEM có thể tập trung nghiên cứu và tham mưu trong thời gian tới./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư