Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/09/2022-15:02:00 PM
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
(MPI) - Tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 20/9/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã (HTX) hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Bộ trưởng nêu năm quan điểm xây dựng dự án Luật. Một là, bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới; đặc biệt là thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng; bám sát chủ trương chỉ đạo tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, triển khai hiệu quả Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Hai là, kế thừa tối đa quy định của Luật HTX năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác do Liên minh HTX quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21.

Ba là, các quy định của Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành (năm 2013); tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.

Bốn là, xây dựng Luật chung thống nhất cho các tổ chức kinh tế hợp tác. Năm là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về nội dung dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo dự án Luật trình Quốc hội bao gồm 12 Chương, 117 Điều (Luật HTX năm 2012 gồm 09 Chương, 64 Điều), bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nội dung chính, gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Căn cứ Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2022, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật, cụ thể: Phương án 1: Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và Phương án 2: Luật Hợp tác xã.

Chính phủ lựa chọn Phương án đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác với các lý do: Phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW xác định: “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...)”; Phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần “hợp tác” giữa các thành viên; Phù hợp với quy định về “sở hữu” của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đây là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại; phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; dần xóa bỏ định kiến đối với HTX kiểu cũ; Được Chính phủ thống nhất và được đa số các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương nhất trí.

Đối với phương án 2 tên “Luật Hợp tác xã”, một số cơ quan đề nghị giữ nguyên tên Luật HTX, lấy HTX là trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các tổ chức kinh tế hợp tác khác, bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có dẫn chiếu đến Luật HTX, không ảnh hưởng đến việc tra cứu, sử dụng và áp dụng luật. Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật; vấn đề thay đổi tên Luật cũng có thể được xử lý bằng quy định về việc dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã năm 2012 của các văn bản khác đang còn hiệu lực sẽ tiếp tục áp dụng theo quy định của Luật này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình và kết quả chuẩn bị dự án luật này của Chính phủ và nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡngvới nhiều điểm mới và nội dung chính sách dày dặn. Việc xây dựng dự án luật này có thuận lợi với cơ sở chính trị vững chắc là tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, dự án Luật tiếp tục được hoàn thiện để trình với Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 theo đúng tiến độ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã góp ý về các nội dung cụ thể của Dự thảo như tên gọi của Luật; sự phù hợp với quy định của pháp luật; về phạm vi điều chỉnh; chính sách khuyến khích tổ hợp tác; quy định đối với thành viên của hợp tác xã; các chính sách hỗ trợ; tỷ lệ giao dịch nội bộ; chính sách tín dụng nội bộ và huy động vốn của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân

Về quản lý nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong Luật phải khẳng định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực này và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt, giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các bộ, ngành khác phối hợp quản lý theo ngành, lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng tạo cơ sở để Quốc hội thảo luận tốt. Từ đó sẽ có một luật chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển về hình thức tổ chức kinh tế rất quan trọng của đất nước./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3337
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)