Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/09/2022-15:30:00 PM
Nguy cơ kinh tế suy thoái khiến chứng khoán châu Á giảm điểm
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm nay, do giới đầu tư quan ngại xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed có thể làm tồi tệ hơn triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch 23/9, do xu hướng bán tháo gia tăng bởi lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đẩy mạnh việc nâng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát "nóng."

Phiên chiều 23/9, chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi giảm 1%, hướng tới mức giảm tuần thứ tư liên tiếp bởi các động thái chính sách của ngân hàng trung ương, bao gồm việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp.

Tính từ đầu năm nay, chỉ số này đã giảm 26%, do tác động bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ, căng thẳng địa chính trị và lo ngại suy thoái ngày càng thúc đẩy các nhà đầu tư hướng tới các tài sản an toàn hơn như đồng USD.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm nay, khi giới đầu tư quan ngại rằng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed có thể làm tồi tệ hơn triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chốt phiên, chỉ số Kospi giảm 42,31 điểm (1,81%), xuống 2.290 điểm, nối dài phiên giảm điểm sang ngày thứ ba liên tiếp.

Tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt "nhuộm" sắc đỏ.

Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt hạ 214,68 điểm (1,18%) và 20,54 điểm (0,66%), xuống 17.933,27 điểm và 3.088,37 điểm.

Các thị trường chứng khoán Sydney của Australia, Mumbai của Ấn Độ, Bangkok của Thái Lan, Singapore, Wellington của Niu Zealand, Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc) và Manila của Philippines cũng đều đi xuống.

Khi đà tăng giá cả không có dấu hiệu dừng lại, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã buộc phải hành động, với lý lẽ rằng tác động ngắn hạn của việc tăng lãi suất đối với các nền kinh tế ít gây đau đớn hơn so với tác động dài hạn của việc để lạm phát tiếp tục leo thang.

Quyết định nâng lãi suất mới nhất của Fed diễn ra trước khi có động thái tương tự từ các ngân hàng ở một số quốc gia khác bao gồm Anh, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sỹ, Philippines và Indonesia.

Và tất cả đều chỉ ra một viễn cảnh đen tối đối với thị trường chứng khoán.

Trong một dấu hiệu cho thấy kỳ vọng suy thoái đang gia tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 3,7%, mức cao nhất trong một thập kỷ, trong khi chỉ số S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022 và chỉ "nhỉnh" hơn chút ít so với mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 23/9, VN-Index giảm 11,42 điểm xuống 1.203,28 điểm.

Khối lượng giao dịch đạt 485,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 11.293 tỷ đồng. Toàn sàn có 162 mã tăng giá, 287 mã giảm giá và 77 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 1,2 điểm xuống 264,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 60,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.163,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 104 mã giảm giá và 68 mã đứng giá./.

Minh Trang
TTXVN/Vietnam+

  • Tổng số lượt xem: 886
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)