Trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm 2022, ước tính kết quả tháng 9 năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước cụ thể các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:
I. KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Tính đến ngày 15/9/2022, tình hình sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh ước thực hiện 26.135 ha, giảm 1,32% so với cùng kỳ, cụ thể như sau:
- Diện tích lúa gieo trồng 10.564 ha, tăng 0,11% (-12 ha) so với cùng kỳ năm trước (trong đó lúa mùa gieo trồng 7.748 ha, giảm 0,08% so với cùng kỳ);
- Cây bắp gieo trồng 2.847 ha, giảm 3,65% (-108 ha) so cùng kỳ; khoai lang gieo trồng 153 ha, giảm 73,80%; khoai mỳ 5.042 ha, giảm 7,77% so với cùng kỳ;
- Cây mía gieo trồng 163 ha, tăng 0,62% (+1 ha), diện tích cây mía của tỉnh nhỏ lẻ, được trồng chủ yếu làm nguyên liệu chế biến nước giải khát;
- Rau các loại gieo trồng 3.766 ha, tăng 6,59% (+233 ha) so cùng kỳ;
- Đậu các loại gieo trồng 317 ha, giảm 1,86% (-6 ha) so cùng kỳ.
Về tiến độ gieo trồng vụ Mùa 2022, tính đến 15/9/2022 toàn tỉnh ước gieo trồng được 20.229 ha, giảm 4,08% (-859 ha) so cùng kỳ. Trong đó:
- Lúa mùa gieo trồng được 7.748 ha, giảm 0,09% (-6 ha);
- Cây ngô (bắp) gieo trồng được 2.520 ha, giảm 1,95% (-51 ha);
- Khoai lang gieo trồng được 110 ha (-419 ha); cây khoai mỳ gieo trồng được 5.042 ha (-425 ha);
- Rau các loại gieo trồng được 2.310 ha (-5 ha);
- Đậu các loại gieo trồng được 251 ha (-16 ha) so cùng kỳ.
Đối với cây lâu năm: ước tính toàn tỉnh hiện có 438.350 ha cây lâu năm, tăng 1,99% (+8.566 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó:
- Cây ăn quả các loại 12.610 ha, tăng 2,19% (+271 ha) so với cùng kỳ.
- Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh 425.363 ha, tăng 2,00% (+8.331 ha) so với cùng kỳ năm 2021. Chia ra: cây điều hiện có 151.135 ha, tăng 11.267 ha, sản lượng ước đạt 170.500 tấn, giảm 65.110 tấn; cây hồ tiêu hiện có 14.941 ha, giảm 949 ha, sản lượng ước đạt 30.100 tấn, tăng 2.324 tấn; cây cao su 244.698 ha, giảm 1.960 ha, sản lượng ước đạt 244.202 tấn, tăng 7.127 tấn; cây cà phê 14.588 ha, giảm 27 ha, sản lượng cà phê chưa có thu.
Tình hình sâu bệnh: công tác bảo vệ thực vật đã được các cấp, các ngành quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.
Giá một số hàng nông sản và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 9/2022 như sau: Mủ cao su sơ chế 29.078 đồng/kg, cà phê nhân 42.801 đồng/kg, hạt điều khô 31.046 đồng/kg, hạt tiêu khô 74.199 đồng/kg.
b. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi nhìn chung khá ổn định, các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng qui mô sản xuất cũng như qui mô đàn. Số lượng gia súc, gia cầm ước 9 tháng năm 2022 gồm có:
- Đàn trâu: 13.680 con, tăng 6,90% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 3.275 con, tăng 2,12%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 835 tấn, giảm 38,65% so với cùng kỳ;
- Đàn bò: 39.200 con, tăng 0,30% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 12.362 con, tăng 1,70%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 2.151 tấn, tăng 0,70% so với cùng kỳ;
- Đàn heo: 1.832.210 con, tăng 14,90% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 1.507.281 con, tăng 48,03%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 144.699 tấn, tăng 47,42% so với cùng kỳ;
- Đàn gia cầm: 10.658 ngàn con, tăng 41,70% so cùng kỳ; sản lượng xuất bán đạt 47.609 tấn, tăng 168,61%; sản lượng trứng gia cầm xuất bán đạt 165.536 ngàn quả, tăng 24,84% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác trong 9 tháng năm 2022 khá ổn định không có biến động lớn, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, duy trì các chốt kiểm dịch động vật.
1.2. Lâm nghiệp
Tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tổng số vụ vi phạm lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản 30 vụ (giảm 21 vụ so với năm 2021). Số vụ đã xử lý trong kỳ 26 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách 578,30 triệu đồng.
Về trồng rừng, các đơn vị được giao trồng rừng đang khẩn trương triển khai trồng rừng, lũy kế đến tháng 9 toàn tỉnh ước trồng được 403 ha (+41 ha) so với cùng kỳ.
Về khai thác, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 khai thác được 10.277 m3 gỗ, tăng 14,06% so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 1.168 Ste, tăng 8,75% so với cùng kỳ. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.
1.3. Thủy sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hiện có 1.300 ha, đến nay hầu hết diện tích nuôi trồng thủy sản đã được xuống giống để nuôi trồng. Sản lượng thủy sản thực thu từ đầu năm đến tháng 9/2022 đạt 2.354 tấn (sản lượng nuôi trồng 2.187 tấn và sản lượng khai thác 167 tấn).
1.4. Kinh tế hợp tác, liên kết trong nông nghiệp; kinh tế trang trại
Toàn tỉnh vẫn duy trì 185 Hợp tác xã và 01 liên hiệp HTX nông, lâm nghiệp đang còn hoạt động trên địa bàn. Có 86 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 496 trang trại (trong đó: có 302 trang trại trồng trọt và 193 trang trại chăn nuôi).
1.5. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới
Đến nay toàn tỉnh có 70 xã đạt 19 tiêu chí được công nhận xã nông thôn mới; 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chỉ tiêu năm 2022 có thêm 7 xã về đích nông thôn mới và 9 xã về đích nông thôn mới nâng cao.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2022 ước đạt 98,90% so với tháng trước và 115,81% so với cùng kỳ năm trước, tức là giảm 1,10% so với tháng trước và tăng 15,81% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,15% so với tháng trước, tăng 10,34% so với cùng kỳ; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,32%, tăng 16,11%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,53%, tăng 8,65%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,04%, tăng 32,23%.
Quý III/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước đạt 123,31% so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 23,31%. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 24,51%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,94%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,58%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến duy trì tốc độ tăng trưởng cao 25,70%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,04%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,77%; ngành khai khoáng giảm 6,55%.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 2,85 lần; Dịch vụ đúc gang, sắt, thép tăng 159,20%; Dịch vụ sản xuất giày, dép tăng 118,32%; Thức ăn cho gia cầm tăng 99,70%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Điện sản xuất tăng 0,19%; Nước tinh khiết tăng 0,36%; Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da giảm 51,19%; Vải dệt nổi vòng, vải sonin từ sợi nhân tạo giảm 40,45%; Đồ nội thất bằng gỗ khác chưa được phân vào đâu giảm 33,52%; Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 15,97%...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2022 giảm 36,69% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 giảm 25,08% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp tháng 9/2022 tăng 1,73% so với tháng trước, tăng 6,81% so với tháng cùng kỳ năm trước, lũy kế 9 tháng tăng 5,72% so với cùng kỳ. So với tháng cùng kỳ năm trước, ngành khai khoáng tăng 48,98%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,85%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 2,50%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải không tăng. Cộng dồn 9 tháng so với cùng kỳ năm trước, ngành khai khoáng tăng 15,12%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,56%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,48%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,51%.
3. Tình hình hoạt động doanh nghiệp
3.1. Tình hình phát triển doanh nghiệp
Trong tháng 9/2022 có 79 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 469 tỷ đồng; có 13 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 15 doanh nghiệp đăng ký giải thể, 20 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, có 905 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với số vốn đăng ký là 10.678 tỷ đồng, 111,56 % về số doanh nghiệp, bằng 66,84 % về số vốn đăng so với cùng kỳ năm 2021; có 272 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, có 336 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, có 131 doanh nghiệp đăng ký giải thể.
* Xu hướng sản xuất kinh doanh
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: có 39,66% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 12,07% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 48,28% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2022 có 62,07% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 12,07% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 25,86% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đánh giá 100% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 sẽ tốt hơn quý trước; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 67,57% và 50,00%. Nhìn chung, xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý III và dự báo quý IV năm 2022 là ổn định.
3.2. Kim ngạch xuất, nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 9 năm 2022 ước đạt 405 triệu USD tăng 3,4% so tháng trước và tăng 29,62% so cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm ước đạt 3.140,75 triệu USD tăng 9,53% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,58% so kế hoạch năm.
Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 9 ước đạt 263,1 triệu USD tăng 4,86% so tháng trước và tăng 34,11% so cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm ước đạt 1.986,5 triệu USD tăng 4,08% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,75% so kế hoạch năm.
4. Hoạt động dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 9/2022 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 5.802,45 tỷ đồng, tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 105,72% so với cùng kỳ. Xét theo ngành hoạt động: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.818,91 tỷ đồng, tăng 0,47%, tăng 89,21%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 567,45 tỷ đồng tăng 1,12%, tăng 159,99%; doanh thu dịch vụ đạt 414,86 tỷ đồng, tăng 0,50%, tăng 647,55%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,23 tỷ đồng tăng 3,71% so với tháng trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 47.199,97 tỷ đồng, tăng 29,22% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 39.365,46 tỷ đồng, tăng 26,35% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 4.579,46 tỷ đồng tăng 36,90%; lữ hành đạt 6,17 tỷ đồng, tăng 299,87%; dịch vụ đạt 3.248,89 tỷ đồng, tăng 60,41%.
4.2. Giao thông vận tải – Bưu chính viễn thông
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 9/2022 ước đạt 199,31 tỷ đồng, tăng 1,82% so với tháng trước, tăng 393,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 120,16 tỷ đồng, tăng 2,48% so với tháng trước, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 76,48 tỷ đồng, tăng 0,83%, tăng 90,90%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.487,03 tỷ đồng, tăng 35,01% so với cùng kỳ, trong đó: vận tải hành khách đạt 806,86 tỷ đồng, tăng 38,80%; vận tải hàng hóa đạt 657,59 tỷ đồng, tăng 30,28%.
Vận tải hành khách tháng 9/2022 ước đạt 1.301,69 ngàn HK và 163.868,00 ngàn HK.km, so với tháng trước tăng 2,46% về vận chuyển, tăng 2,47% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,77 lần về vận chuyển, tăng 2,78 lần về luân chuyển. Lũy kế 9 tháng, vận tải hành khách ước đạt 7.493,91 ngàn HK và 942.161,88 ngàn HK.km, so với cùng kỳ tăng 36,67% về vận chuyển, tăng 36,92% về luân chuyển.
Vận tải hàng hoá tháng 9/2022 ước đạt 326,99 ngàn tấn và 22.317,99 ngàn T.km, so với tháng trước tăng 0,89% về vận chuyển, tăng 0,84% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 88,69% về vận chuyển, tăng 88,57% về luân chuyển. Lũy kế 9 tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 2.527,49 ngàn tấn và 171.570,29 ngàn T.km, so với cùng kỳ tăng 27,77% về vận chuyển, tăng 27,83%về luân chuyển.
Bưu chính, viễn thông: Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, dự tính 9 tháng năm 2022 trên toàn tỉnh, số thuê bao điện thoại cố định ước đạt 9.501 thuê bao, số thuê bao điện thoại di động ước đạt 1.135.700 thuê bao; thuê bao internet đạt 93/100 dân. Truyền hình cáp có 89.007 thuê bao.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
Về lãi xuất: mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng tăng nhẹ (so với cuối năm 2021, lãi suất tiền gửi bình quân tăng 0,19%/năm, lãi suất cho vay bình quân tăng khoảng 0,17-0,19%/năm) chủ yếu do nhu cầu tín dụng tăng cao nhằm đáp ứng quá trình phục hồi kinh tế.
Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến 30/9/2022 ước đạt 55.200 tỷ đồng, tăng 5,79% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng đến 30/9/2022 ước đạt 106.000 tỷ đồng, tăng 16,99% so với cuối năm 2021. Nợ xấu đến nay chiếm khoảng 0,38%/tổng dư nợ.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến ngày 31/8/2022, gồm: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 141.465 người (bảo hiểm thất nghiệp là 133.362 người), đạt 96,3% kế hoạch được giao; bảo hiểm xã hội tự nguyện 9.663 người, đạt 45,2% kế hoạch; bảo hiểm y tế là 820.130 người, đạt 89,6%.
Tổng số thu tính đến ngày 31/8/2022 là 2.213,74 tỷ đồng, đạt 62,8% so với kế hoạch, trong đó: Bảo hiểm xã hội bắt buộc 1.514,93 tỷ đồng, đạt 65,5% kế hoạch; bảo hiểm xã hội tự nguyện 30,61 tỷ đồng, đạt 43,2% kế hoạch; bảo hiểm y tế 601,15 tỷ đồng, đạt 60,4% kế hoạch; bảo hiểm thất nghiệp 67,03 tỷ đồng, đạt 44,8% kế hoạch.
Tổng số chi tính đến ngày 31/8/2022 là 1.626,43 tỷ đồng, bao gồm: Chi bảo hiểm xã hội 1.137,92 tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế 326,84 tỷ đồng; chi bảo hiểm thất nghiệp 161,66 tỷ đồng.
2. Đầu tư và xây dựng
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2022 tăng 12,97% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (58,88%).
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 18.409,82 tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn khu vực Nhà nước đạt 4.004,80 tỷ đồng, chiếm 21,75%, tăng 53,65% so với cùng kỳ; khu vực ngoài Nhà nước đạt 10.840,12 tỷ đồng, chiếm 58,88%, tăng 6,71%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.564,90 tỷ đồng, chiếm 19,36%, tăng 5,12%.
Trong tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 9 tháng ước tính đạt 3.846,73 tỷ đồng, bằng 51,42% kế hoạch năm, tăng 32,28% so với cùng kỳ năm trước, gồm có: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.972,69 tỷ đồng, bằng 64,78% kế hoạch năm, tăng 35,69%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 874,04 tỷ đồng, bằng 30,21% và tăng 21,89%.
Một số công trình trọng điểm đang thực hiện từ vốn đầu tư công như sau: Xây dựng đường giao thông phía Tây QL 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư; Xây dựng tuyến kết nối ĐT.753B với đường Đồng Phú - Bình Dương; Xây dựng đường và cải tạo lòng hồ Long Thủy, thị xã Phước Long; Dự án kiên cố hóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố cấp học Mần non và Tiểu học cho vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa theo QĐ 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng đường phía Tây QL13 kết nối Bàu Bàng; Xây dựng Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bình Phước...
Về thu hút FDI: Trong tháng 9 đầu năm 2022 cấp mới 06 dự án, tổng vốn đăng ký là 14,67 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cấp phép cho 31 dự án với số vốn đăng ký là 108,46 triệu USD.
3. Thu, chi ngân sách
Theo báo cáo của ngành Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 9 tháng đầu năm 2022 là 11.136,98 tỷ đồng, đạt 78,15% so với dự toán năm, tăng 23,46% so với cùng kỳ, trong đó:
- Thu từ sản xuất kinh doanh trong nước ước 10.317,55 tỷ đồng, đạt 78,76% so kế hoạch HĐND giao. Trong thu từ sản xuất kinh doanh trong nước: thu từ doanh nghiệp nhà nước ước 837,02 tỷ đồng, đạt 79,72% so kế hoạch, tăng 14,16% so với cùng kỳ; thu từ kinh tế ngoài quốc doanh ước 1.209,01 tỷ đồng, đạt 69,09% so kế hoạch, tăng 0,68% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước 525,54 tỷ đồng, đạt 61,83% kế hoạch, giảm 27,64%.
Tổng chi ngân sách nhà nước địa phương 9 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 10.534,33 tỷ đồng, đạt 56,98% so với dự toán năm, tăng 5,34% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển: 5.553,47 tỷ đồng, đạt 74,23% dự toán, tăng 10,85% so với cùng kỳ; chi thường xuyên: 4.841,43 tỷ đồng, đạt 55,00% dự toán, tăng 14,62% so với cùng kỳ.
4. Chỉ số giá
Tình hình giá cả thị trường tháng 9/2022 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có biến động tăng nhẹ so với tháng trước. Bước vào năm học mới 2022-2023, nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng, giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào cùng với việc giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 đến nay, đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,28% so với tháng trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm mặt hàng tăng so với tháng trước, với mức tăng như sau: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; Nhóm giáo dục tăng 0,54%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,54%. Có 5 nhóm hàng giảm xuống so với tháng trước: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,05%; Nhóm giao thông giảm 2,49%; Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,03%; Nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,02%. Và nhóm thuốc và dịch vụ y tế giữ ổn định so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 2,09% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng tăng cao hơn so với mức tăng chung như: May mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,11%; Đồ uống và thuốc lá tăng 3,86%; Giao thông tăng 17,49%. Những nhóm hàng tăng thấp hơn mức tăng chung: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,30%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,95%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; Nhóm giáo dục tăng 0,16%; Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,07%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,78%. Nhóm hàng giảm so với bình quân cùng kỳ năm trước: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,92%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,12%.
Giá vàng và đôla Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng 9/2022 giảm 2,10% so với tháng trước; giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2021, chỉ số giá vàng tăng 2,45% so với cùng kỳ. Chỉ số Đô la Mỹ tháng 9/2022 tăng 0,62% so với tháng trước; tăng 3,47% so với cùng kỳ; chỉ số giá bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 0,46%.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm và đời sống dân cư
1.1. Công tác lao động - việc làm
Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho 36.957/39.000 lao động, đạt 94,76% kế hoạch năm, tăng 31,5% so với cùng kỳ.
Tổ chức tư vấn nghề, giới thiệu việc làm, học nghề cho 16.584 lao động; tổ chức 09 phiên giao dịch việc làm thu hút 31 doanh nghiệp và 1.380 lao động tham gia; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 10.504 lao động; hỗ trợ học nghề cho 64 lao động.
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội ước 27,31/35%, đạt 78% kế hoạch năm.
Tổ chức 02 lớp tập huấn triển khai chính sách bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 300 người tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
1.2. Công tác giảm nghèo
Phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giảm 1000 hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022; Kế hoạch thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch phân bổ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2022 và các Quy định, Nghị quyết phục vụ công tác giảm nghèo.
2. Công tác an sinh xã hội
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: Trong 9 tháng đầu năm 2022, cơ sở đã tiếp nhận vào 390 học viên; đã giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 234 học viên; khám và điều trị bệnh cho 34.044 lượt học viên; hiện cơ sở đang quản lý và chữa bệnh 647 đối tượng; tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe, các biện pháp cai nghiện ma túy, một số chuyên đề giáo dục hành vi nhân cách, nội quy quản lý học viên cho 12.411 lượt học viên; tổ chức dạy xóa mù chữ 31 buổi cho hơn 447 lượt học viên tham gia.
Công tác bảo trợ xã hội: Thực hiện tốt công tác quản lý và chăm sóc đối tượng đang được bảo trợ tại các Cơ sở trợ giúp xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 213 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội (nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh 60 đối tượng và các cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân 153 đối tượng).
Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công: Tiếp nhận, giải quyết 3.190 hồ sơ người có công. Giải quyết điều dưỡng tại nhà cho 934 người có công. Mua 26.908 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách và thân nhân người có công. Nhân dịp dịp lễ, tết toàn tỉnh đã tổ chức thăm và tặng 53.054 phần quà cho các đối tượng chính sách người có công với số tiền là 20.721.630.000 đồng. Tiếp nhận và an táng 50 hài cốt liệt sĩ được đội K72/Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quy tập đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
3. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo tập trung chỉ đạo công tác khai giảng năm học 2022-2023, với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tập huấn về công tác chuyên môn năm học 2022-2023 cho cán bộ quản lý, giáo viên, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch; cấp phát giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; Tiếp tục triển khai thực hiện dự án Đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025.
4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác mạng lưới y tế, biên chế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh; tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ… An toàn vệ sinh thực phẩm cơ bản được đảm bảo, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.
Trong tháng, toàn tỉnh có 906 ca viêm đường hô hấp do Covid-19 (00 ca tử vong); 792 ca mắc sốt xuất huyết (02 ca tử vong); 61 ca mắc bệnh tay chân miệng (không có tử vong); 83 ca tiêu chảy (0 ca tử vong); về phòng chống HIV/AIDS: 13 người mới phát hiện HIV, tích lũy số người nhiễm HIV là 3.934 người, 16 người mới phát hiện AIDS, tích lũy số bệnh nhân AIDS là 1.913 bệnh nhân, 03 ca tử vong trong tháng, tử vong do tích lũy: 341 ca.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
Công tác tuyên truyền: Kết quả thực hiện in ấn và thi công trang trí được 6.250m2 băng rôn, 16.450m2 panô; 17.645m2 pa nơ; cắm 15.500 lượt cờ các loại; tuyên truyền được 1.900 giờ xe tuyên truyền với nhiều nội dung khác nhau; viết bài tuyên truyền đăng trên trang website của ngành và của các đơn vị.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/8/1972 -28/8/2022); phối hợp tổ chức “Lễ viếng, truy điệu, an táng 44 bộ hài cốt liệt sĩ và dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 75 năm Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022)” được quy tập ở trong nước và tại Vương quốc Campuchia; phối hợp tổ chức họp mặt kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và biểu dương người có công tiêu biểu.
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Trong quý III, Trung tâm văn hóa tỉnh đã dàn dựng chương trình phục vụ hội nghị, sự kiện tại các cơ quan, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được 03 suất với 700 lượt người xem; chiếu phim tuyên truyền phục vụ tại cơ sở với 39 bộ phim, phục vụ được 198 buổi, thu hút 12.740 lượt người xem; Đoàn Ca múa nhạc dân tộc biểu diễn phục vụ chính trị và quần chúng được 14 buổi thu hút khoảng 5.000 lượt người xem.
Hoạt động thư viện: Trong quý III, thư viện tỉnh cấp 101 thẻ thư viện; phục vụ 998.901 lượt người sử dụng thư viện; lưu hành 20.290 lượt tài liệu.
Thể dục thể thao: Trong quý III, đội tuyển thể thao tỉnh tham dự 27 giải thể thao cấp khu vực và toàn quốc, đạt 35 HCV, 45 HCB, 64 HCĐ; 10 kiện tướng và 01 DBKT, 13 cấp I quốc gia; hỗ trợ cơ quan, ban, ngành tổ chức các giải thể thao, hội thao tổng cộng 28 giải với 283 lượt trọng tài.
Hoạt động du lịch: Trong quý III, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan khoảng 213.165 lượt khách, tăng 118,5% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 45,45% kế hoạch năm 2022. Tổng doanh thu đạt khoảng 114,82 tỷ đồng, tăng 98,2% so với cùng kỳ 2021 và đạt 27,53% kế hoạch năm 2022.
6. Tai nạn giao thông
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 9 người chết, 2 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng giảm 30,77%; số người chết giảm 10%, số người bị thương giảm 75%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông, làm 91 người chết, 71 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 5,13%; số người chết giảm 3,19%.
Trong tháng 9/2022, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 2.145 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 1.099 phương tiện, tước 587 giấy phép lái xe, cảnh cáo 36 trường hợp, xử lý hành chính 2.109 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 7,72 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (304 trường hợp), không có giấy phép lái xe (628 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (483 trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (365 trường hợp).
7. Thiệt hại thiên tai
Trong tháng, trên địa bàn không phát sinh thiên tai. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm nay, thiệt hại do ảnh hưởng của mưa to, ngập lụt và lốc xoáy, cụ thể: thiệt hại về nhà cửa là 20 căn nhà bị sập, hư hại, bị cuốn trôi; thiệt hại về cây trồng: gãy đổ 1,79 ha cây trồng các loại … Ước tính thiệt hại do mưa, lốc xoáy gây ra khoảng 5,81 tỷ đồng.
8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ cháy nhà dân, làm 01 người chết, 02 người bị thương, nguyên nhân vụ cháy và thiệt hại tài sản vẫn đang điều tra và thống kê. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2022 sau khi đã được Cơ quan Công an xác minh chính thức trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ cháy, thiệt hại do cháy khoảng 15,92 tỷ đồng, 01 người chết và 04 người bị thương.
Tháng 9/2022 cơ quan chức năng đã phát hiện 19 vụ vi phạm môi trường, đã tiến hành xử lý 5 vụ vi phạm, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước 56 triệu đồng. Lũy kế trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 273 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 109 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 892,5 triệu đồng./.
Cục Thống Kê tỉnh Bình Phước