(MPI) - Ngày 03/10/2022 đã diễn ra Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII để thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và một số vấn đề quan trọng khác, chủ yếu là về công tác cán bộ, công tác nhân sự.
Với tinh thần tiếp tục đổi mới, phát huy dân chủ, trí tuệ của Trung ương trong quá trình xem xét, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của Đảng và Đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, nêu vấn đề để Hội nghị tập trung thảo luận.
Về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023được đặt trong bối cảnh, tình hình thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta.
Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu thật kỹ Báo cáo, Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ và thực tế ở bộ, ngành, địa phương nơi công tác, tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2022, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023, với tinh thần thật sự công tâm, khách quan, khoa học, toàn diện. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để vừa phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm sắp tới.
Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, cần xác định trúng những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP |
Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thực hiện Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua vào tháng 11/2017, thời gian qua Chính phủ đã sát sao chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong cả nước khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (các báo cáo dày khoảng 2.000 trang; tổng cộng có tới 7.000 trang tài liệu) để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sắp tới.
“Thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Hội nghị của chúng ta cần xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia do Ban cán sự đảng Chính phủ trình để chỉ đạo Chính phủ tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn thiện Đề án Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền”, Tổng Bí thư nói.
Nội dung của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội xác định định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và việc phân bố, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên toàn lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Nội dung của Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Trung ương lần này bao gồm những vấn đề thuộc về chủ trương, chính sách chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển nói chung và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quốc gia nói riêng; tập trung nhận định, đánh giá tình hình phát triển và tổ chức không gian phát triển của đất nước thời kỳ 2011-2020; các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo việc lập và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; và các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia,...
Đây là công việc lần đầu tiên chúng ta làm, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước hiện đang rất mong đợi. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị cần tập trung nghiên cứu thật kỹ các tài liệu, thảo luận thật sôi nổi, sâu sắc những vấn đề nêu trong Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ, tạo sự thống nhất cao đối với dự thảo Kết luận của Trung ương về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, góp phần thiết thực cho việc lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói riêng và các quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước nói chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời nhấn mạnh, đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị nghiên cứu thật kỹ các tài liệu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những kết quả, thành tựu đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo; chú ý đến việc hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực.
Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nêu rõ, đây là một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. “Đề nghị các đồng chí tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”..
Theo đó, chú ý đến những nhiệm vụ, giải pháp mới, có tính đột phá, khả thi cao nhằm tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại.
Hội nghị Trung ương lần này nhằm tiếp tục triển khai việc thực hiện nhiệm vụ quán triệt, thực hiện các nội dung, vấn đề lớn, cốt yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hầu hết các vấn đề cần bàn và quyết định đều rất cơ bản, quan trọng, nhưng cũng rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Nhiều vấn đề đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, cần tiếp tục được thực hiện ở tầm mức mới với những quyết tâm mới, quyết sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thật sự dân chủ và đổi mới, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, sâu sắc để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư