(MPI) - Ngày 14/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Hội nghị được kết nối tới điểm cầu trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư về việc xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, Ban cán sự đảng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng các Bộ, ngành, Tỉnh ủy các địa phương trong vùng tổ chức tổng kết, đánh giá và xin ý kiến các Ban của Trung ương đảng, các cơ quan của Quốc hội, các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời làm việc trực tiếp với Tỉnh ủy từng địa phương trong Vùng để làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới.
Sau gần 6 tháng triển khai, Đề án tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW đã hoàn thành và báo cáo Bộ Chính trị; được Bộ Chính trị thông qua và thống nhất ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về "phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là sản phẩm kết tinh từ trí tuệ tập thể, đã được thực hiện công phu, qua nhiều cấp, nhiều vòng từ cơ sở đến trung ương, từ lý luận đến thực tiễn; cập nhật, bổ sung các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển vùng cũng như đánh giá bối cảnh mới, tình hình mới tác động đến vùng.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng trong bối cảnh phát triển mới. Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững toàn vùng và các địa phương trong vùng thời gian tới.
Nghị quyết được kết cấu gồm 4 phần có liên quan chặt chẽ với nhau: Phần I. Tình hình; phần II. Quan điểm, mục tiêu; phần III. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; phần IV. Tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế; phân tích bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với phát triển vùng, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo cho phát triển vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.
Về tầm nhìn và mục tiêu, căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát các quan điểm chỉ đạo như đã được trình bày ở trên, căn cứ đặc điểm tình hình của vùng Tây Nguyên, Nghị quyết đã xác định mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhấn mạnh đến năm 2030 "Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường".
Tầm nhìn đến năm 2045 là "Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường".
Để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030, Nghị quyết đã đưa ra 3 nhóm chỉ tiêu chính với 16 chỉ tiêu cụ thể cho phát triển vùng, trong đó, nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế với 8 chỉ tiêu; Nhóm chỉ tiêu về phát triển xã hội với 5 chỉ tiêu; Nhóm chỉ tiêu về bảo vệ môi trường với 3 nhóm chỉ tiêu. Các nhóm chỉ tiêu cụ thể này là cụ thể hóa các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được đưa ra tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng Tây Nguyên.
Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; Phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Nghị quyết đã đề ra 04 nhóm nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Một là, Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là các địa phương vùng Tây Nguyên nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Hai là, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo: Ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết; xây dựng Quy hoạch phát triển vùng, địa phương; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên.
Ba là, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương theo trách nhiệm của mình thường xuyên quan tâm, phối hợp với các địa phương vùng Tây Nguyên để thực hiện Nghị quyết.
Bốn là, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngay sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW vào đầu tháng 11 năm 2022.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Nghị quyết Nghị quyết số 23-NQ/TW được Bộ Chính trị khóa XIII xem xét, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện trong bối cảnh cả nước ta đang gia sức nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của gần 6 triệu đồng bào dân tộc sinh sống tại vùng Tây Nguyên, nhất định Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống để góp phần giúp cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng với nền văn hóa dân tộc bản địa phong phú, đa dạng, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương vươn lên gặt hái nhiều thành tựu mới góp phần vào công cuộc Đổi mới của cả nước, vì một Việt Nam hùng cường./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư