Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/10/2022-18:02:00 PM
Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và phát triển bền vững
(MPI) - Ngày 18/10/2022 đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong khuôn khổ Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á năm 2022 với chủ đề “Kết nối các khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và phát triển bền vững”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự Diễn đàn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đồng chủ trì Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những hoạt động phối hợp với OECD trong khung khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đặc biệt là trong năm APEC 2017 mà Việt Nam là chủ nhà. Các hoạt động này đều rất thiết thực, giúp đóng góp những ý tưởng, kiến nghị có chất lượng phục vụ công cuộc cải cách và phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với OECD trong các hoạt động liên quan thuộc khung khổ Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và OECD. Quá trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với OECD trong các hoạt động này là rất chất lượng, thậm chí có thể đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”. Có hoạt động mà chỉ trong vài tháng, các bộ, ngành Việt Nam gửi tới vài chục lượt văn bản góp ý. Các bộ, ngành đều đón tiếp rất thịnh tình và trao đổi cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng với các chuyên gia của OECD. Có bộ cử gần 30 cán bộ tham gia một phiên họp trực tuyến với OECD.

Nói như vậy để thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điều phối, phối hợp rất tích cực, chặt chẽ với các bộ ngành và OECD trong các hoạt động hợp tác. Bản thân các bộ, ngành cũng kỳ vọng nhiều vào quá trình hợp tác với OECD, đặc biệt là mong muốn lắng nghe những đánh giá, kiến nghị khách quan, “có giá trị” từ phía OECD, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ, sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới. Trong quá trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát huy vai trò tham mưu rất tích cực. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Mới đây nhất, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Bộ cũng tập trung nghiên cứu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ các nội dung nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chương trình, sáng kiến cải cách, mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân, chẳng hạn như Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030; Quyết định số 687/QĐ-TTg 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam,…

Xuyên suốt những nội dung tham mưu ấy là tư duy tích cực, nỗ lực không ngừng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm tìm kiếm những ý tưởng, kiến nghị trên các lĩnh vực: cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những nội dung chia sẻ tại Diễn đàn, đặc biệt là các kiến nghị về điều hành và cải cách kinh tế, quản trị doanh nghiệp nhà nước và thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao trong bối cảnh tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đánh giá cao những kết quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua; trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới tránh được suy thoái liên quan đến COVID-19; là điểm đến hấp dẫn đầu tư. Đồng thời cho biết, các doanh nghiệp trong OECD tìm đến Việt Nam giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tổng Thư ký OECD nhấn mạnh, một trong những ưu tiên hàng đầu của OECD là tăng cường cam kết với các đối tác Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Các nội dung được thảo luận tại Diễn đàn nhằm cụ thể Kế hoạch hành động và Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - OECD giai đoạn 2022-2026; góp phần quan trọng xác định các ưu tiên, định hướng hợp tác cho Chương trình SEARP của OECD trong giai đoạn Việt Nam đảm nhiệm vị trí Đồng Chủ tịch./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2029
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)