(MPI) - Thực hiện Quyết định số 859/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chiều ngày 26/10/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội thảo chuyên đề Kết quả thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội thảo có các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia; đại diện lãnh đạo, các sở, ngành của các địa phương liên quan và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đường sắt là chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn; phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài. Tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu phát triển cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Đây là khát vọng, mục tiêu và phải phấn đấu đạt được. Vậy đâu là động lực để thực hiện khát vọng là câu hỏi được Bộ trưởng đặt ra và cho rằng, để phát triển phải có hạ tầng tốt, hiện đại, đồng bộ, trước hết là hạ tầng giao thông.
Trong thời gian qua, hạ tầng đường sắt phát triển chưa đạt yêu cầu, chưa theo kịp và chưa đáp ứng cạnh tranh. Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu đến năm 2050 hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô lớn và vô cùng quan trọng, hình thành tuyến vận tải đa phương thức với khối lượng lớn, tốc độ cao; kết nối hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông, du lịch, văn hóa, quốc phòng an ninh của cả nước. Khi tuyến đường này cùng với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam được hoàn thành sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới; vừa nâng cao sức cạnh tranh, vừa phát triển vùng, vừa tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực để đạt được các mục tiêu đề ra; mở ra không gian phát triển mới, phát triển theo hướng hiện đại; ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh.
Sau khi nghe báo cáo Kết quả thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về tốc độ phù hợp, xu hướng, tốc độ đường sắt phải phù hợp với địa hình Việt Nam, đảm bảo tính bền vững, lâu dài; phương thức khai thác; hướng tuyến, khung tiêu chuẩn; công nghệ; mô hình theo kinh nghiệm quốc tế; phương thức huy động nguồn vốn, cơ sở tính toán tổng mức đầu tư; phân kỳ đầu tư; phát triển nguồn nhân lực;…
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao ý kiến quý báu, trách nhiệm của các đại biểu nhằm đạt hiệu quả, tính khả thi cao nhất, đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Đồng thời nhấn mạnh, đây là dự án lớn, chưa có tiền lệ, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược, mang tính đổi mới, lâu dài, nền tảng; phải tiếp cận đến thông lệ, tiêu chuẩn, xu hướng, xu thế phát triển đường sắt; phải dựa vào quy mô nền kinh tế, điều kiện tự nhiên, hạ tầng để nghiên cứu ứng dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành liên quan, các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; xác định lộ trình, kế hoạch tổng thể; nhân lực; ứng dụng, chuyển giao công nghệ; rà soát lại nội dung theo các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nhấn mạnh sự cấp bách của Dự án và xem đây là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp đường sắt./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư