(MPI) - Phát biểu làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra chiều ngày 28/10/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhìn chung hầu hết các đại biểu đều thống nhất, đồng tình và đánh giá cao các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến năm 2023.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội rất đáng phấn khởi, đáng ghi nhận
Các ý kiến cũng đều thống nhất cho rằng Báo cáo đã đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện, thẳng thắn, trung thực, khách quan, sát với thực tiễn, bối cảnh, tình hình, nhất là những khó khăn, thách thức, kết quả đạt được cũng như nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, nhận diện rõ được những khó khăn, thách thức trong thời gian tới để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2022 là một năm hết sức đặc biệt. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 được xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề mà cả thế giới và trong nước chưa lường hết được; thay đổi rất nhanh, rất phức tạp, rất khó lường và vượt xa các dự báo, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, đặc biệt với lạm phát và lãi suất đang tăng rất cao, dẫn đến bất ổn kinh tế cũng như khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ rệt. Từ đó dẫn đến khủng hoảng, những bất ổn về chính trị và xã hội ở một số quốc gia.
Ngoài ra, trong nước đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề bất cập như ba điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, sức cạnh tranh, năng suất lao động, năng lực cũng như khả năng phục hồi của các doanh nghiệp. Tuy đã có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Mặc dù vậy, hầu hết các đại biểu đều thống nhất là kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được là rất đáng phấn khởi, đáng ghi nhận.
Về nguyên nhân của các kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trước hết phải nói đến sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát, ủng hộ, đồng hành từ sớm, từ xa, trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự kịp thời, chính xác, linh hoạt và quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bài học kinh nghiệm quý báu để gìn giữ và tiếp tục phát huy
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những quyết sách của Chính phủ trong thời gian qua được tập trung vào 3 giai đoạn. Thứ nhất, tập trung vào phòng, chống dịch trước để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng của người dân với rất nhiều biện pháp mạnh, từ đó chuyển sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch vừa duy trì được sản xuất, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân không để đứt gãy các chuỗi cung ứng và lao động và sớm kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại nền kinh tế, sớm phục hồi và phát triển nhanh, hồi phục nhanh, đạt được kết quả như ngày hôm nay.
Với sự quan tâm, ủng hộ, chia sẻ và quyết sách của Quốc hội hết sức kịp thời; trao thẩm quyền mạnh hơn cho Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19 với việc kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế môi trường đối với cả xăng, dầu để kiểm soát giá cả hàng hóa, lạm phát, giảm chi phí hỗ trợ cho đời sống người dân và nhiều nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành nhanh chóng, kịp thời và rất hiệu quả; sớm kiểm soát được dịch COVID-19, duy trì được sản xuất và chống nứt gãy được chuỗi cung ứng, giữ chân được người lao động và từ đó sớm chuyển sang trạng thái phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với chi phí hợp lý, với bước đi phù hợp, thực hiện được các mục tiêu kép và quan trọng hơn là chúng ta không phải trả giá đắt, mất nhiều thời gian để phải khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch rồi mới phát triển trở lại. Đây cũng chính là điểm đặc điểm nổi bật và thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, đó là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Quốc hội cũng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và nỗ lực đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây vừa là những nguyên nhân chủ yếu của kết quả đạt được trong năm 2022 nhưng đây cũng là một bài học kinh nghiệm hết sức quý báu để chúng ta gìn giữ và tiếp tục phát huy.
|
Ảnh: Quochoi.vn |
Tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan, lơ là
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung giải quyết như chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, chính sách tài khóa tiền tệ, quản lý, điều hành xăng, dầu, thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, nghỉ việc, chuyển việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đang còn chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, công trình hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển văn hóa, khoa học công nghệ…
Cùng với việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngắn hạn là những vấn đề trong trung và dài hạn như tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, những vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng cũng cần được quan tâm giải quyết để huy động mọi nguồn lực, vốn đầu tư trong xã hội, nhất là các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển. Đây là nguồn lực rất lớn và là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến như nhiều đại biểu đã nêu là khó khăn, thách thức trong thời gian tới là rất lớn với nhiều yếu tố bất định hơn, phức tạp hơn, tác động nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn nên chúng ta tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan, lơ là, đặc biệt nhất là những yếu tố tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Áp lực gia tăng về lãi suất, tỷ giá sẽ tác động tới chi phí, hạn chế, khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó thì khó đoán định, nhiều đại biểu cũng đã đề xuất, đóng góp rất nhiều các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như là làm thế nào để tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, hạn chế những rủi ro, phát triển bền vững các thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thu hút có chọn lọc FDI, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp trong nước, ứng phó với thay đổi chính sách mới như thế nào đối với cả thuế tối thiểu toàn cầu. Hỗ trợ thoái vốn, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy nhanh thực hiện các công trình hạ tầng chiến lược, hạ tầng quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và triển khai các đề xuất về phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng người nghèo, người yếu thế.
Các ý kiến, kiến nghị về các giải pháp của các đại biểu Quốc hội đã phần nào được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ và trong các giải trình, báo cáo thêm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong các phiên thảo luận.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp trong thời gian tới
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp trong thời gian tới như nhiều đại biểu đã nêu. Đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Thứ nhất là, về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây luôn luôn là một nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế, được các đại biểu và cử tri cả nước hết sức quan tâm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến, 6 tổ công tác để thực hiện và kết quả hiện nay như trong báo cáo đã nêu. Tuy có thấp hơn khoảng gần 1 điểm phần trăm nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40 nghìn tỷ đồng, tức là tăng 16%.
Về nguyên nhân, ngoài các nguyên nhân chủ quan và khách quan như đã nhiều lần báo cáo, năm 2022 có 3 đặc thù riêng. Đó là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục đối với những dự án khởi công mới. Thứ hai là, giá xăng, dầu nguyên vật liệu tăng cao. Thứ ba là, vốn và bổ sung năm nay lớn hơn so với năm 2021.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu hai nhóm vấn đề. Thứ nhất, hiện nay 76,5% vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý. Do vậy, vấn đề là tổ chức thực hiện ở địa phương quyết định là quan trọng. “Như nhiều lần tôi đã báo cáo với Quốc hội, trong cùng một thể chế, trong cùng một điều kiện, trong cùng mặt bằng như nhau nhưng có rất nhiều địa phương với cách làm hay, mô hình tốt đã triển khai giải ngân rất cao, rất tốt. Nhưng cũng có rất nhiều bộ, ngành và địa phương giải ngân rất thấp, như vậy phần lớn là do công tác tổ chức thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Về thể chế, hiện nay đang từng bước được hoàn thiện, nhất là trong Luật Đất đai lần này, Luật Đấu thầu và các luật khác. “Ở đây chúng tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát địa phương mình, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công... trong vấn đề giải ngân đầu tư công của địa phương mình. Chúng tôi rất mong các đại biểu Quốc hội đồng hành giúp công tác giải ngân, đầu tư tại các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thứ hai, tách giải phóng mặt bằng. Hiện nay có nhiều đại biểu cũng đề nghị tách giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là một vấn đề lớn, để lại cũng nhiều hệ lụy, cũng có mặt tốt nhưng nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ thì cũng là một vấn đề nên cần phải thận trọng và phải nghiên cứu thật kỹ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước mắt cần nghiên cứu sửa ngay trong Luật Đất đai sắp tới theo hướng cho thực hiện một số hành động trước, như kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi đã có quy hoạch và đã có chủ trương đầu tư thì sẽ được thực hiện việc đó trước khi thông báo thu hồi đất sẽ tiết kiệm, giảm ngay được 6 đến 8 tháng.
Về chương trình phục hồi, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là một chương trình rất lớn, lần đầu tiên được thực hiện ở một quy mô như vậy, đòi hỏi phải tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí và trục lợi nên cần phải ban hành nhiều chính sách để quản lý. Hiện nay, tất cả các công việc đã cơ bản hoàn thành, cả ban hành các chính sách phân bổ vốn và thực hiện các thủ tục đối với các dự án. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh vấn đề này./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư