(MPI) - Phát biểu làm rõ thêm vấn đề được đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra ngày 04/11/2022 liên quan đến công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 là sự đổi mới rất căn bản phương pháp, tư duy nhằm mục tiêu khắc phục việc chia cắt, chồng chéo, manh mún, phân tán trong công tác quy hoạch. Luật Quy hoạch đã đưa ra quy định quy hoạch cấp trên thực hiện trước làm cơ sở để lập quy hoạch cấp dưới, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
|
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm rõ vấn đề về công tác quy hoạch. Ảnh: quochoi.vn |
Công tác quy hoạch đã có chuyển biến và đạt được kết quả bước đầu
Về tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 Quy hoạch cấp quốc gia (gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 38 quy hoạch ngành quốc gia), 06 Quy hoạch vùng và 63 Quy hoạch tỉnh.
Đến nay, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được phê duyệt do đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia; việc lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa triển khai được.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tế và bất cập của Luật Quy hoạch, Chính phủ đã trình và đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 và Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 trong đó cho phép được lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; quy hoạch được lập xong trước thì được phê duyệt trước; nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn; các quy hoạch trước đây tương ứng được tiếp tục thực hiện cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt.
Trên cơ sở Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong Luật Quy hoạch, công tác quy hoạch đã có chuyển biến và đạt được kết quả bước đầu.
Tính đến nay, Chính phủ đã phê duyệt 8 quy hoạch, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay đã lập xong 57 quy hoạch cấp quốc gia (gồm 15 quy hoạch ngành và 42 quy hoạch tỉnh) - 57 quy hoạch này đang thực hiện các quy trình, thủ tục thẩm định; còn lại 45 quy hoạch (trong đó có 19 quy hoạch tỉnh, 26 quy hoạch ngành và Quy hoạch tổng thể quốc gia) đang được xây dựng.
“Đây là khối lượng công việc rất lớn, thực tế trong 10 năm từ 2011-2020, chúng ta mới phê duyệt được 31 quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Để hoàn thành phê duyệt 102 quy hoạch còn lại là thách thức rất lớn. Tinh thần chung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cố gắng phấn đấu tới mức cao nhất để sớm hoàn thành phê duyệt 102 quy hoạch theo quy định. Nhưng đồng thời không chạy theo số lượng mà phải chú trọng tới chất lượng quy hoạch”, Phó Thủ tướng nói.
Với tinh thần đó, Chính phủ đề nghị các địa phương, các Bộ, ngành dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho công tác quy hoạch để bảo đảm tiến độ. Đồng thời, phải chú trọng tới lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, nhất là phát huy thật tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra, Hội đồng thẩm định để bảo đảm chất lượng quy hoạch; tránh tình trạng như một số quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị chất lượng còn thấp, phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng làm rõ thêm vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị và cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đô thị cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Phó Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế và nhấn mạnh, từ tình hình thực tế trong công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị hiện nay cần tập trung thực hiện một số giải pháp như Bộ Xây dựng, các địa phương phải đặc biệt quan tâm tới công tác lựa chọn tư vấn, thẩm tra, thẩm định. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng công tác quy hoạch; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp cơ sở, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng; khẩn trương rà soát lại các quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
|
Phiên chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin vào truyền thông ngày 04/11/2022.
Ảnh: quochoi.vn |
Công nghệ thông tin đã góp phần cải cách hành chính, cải cách thể chế
Cũng trong chương trình làm việc ngày 04/11/2022, Quốc hội tiến hành chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận, tập trung vào những nội dung như việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số (Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp số ở Việt Nam đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng cát cứ dữ liệu của một số cơ quan nhà nước; tình trạng tác động tiêu cực của không gian mạng trong lĩnh vực giáo dục; việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội; phát triển đội ngũ công nghệ thông tin ở cấp xã, phường; vấn đề chảy máu chất xám, nhân tài công nghệ thông tin và các giải pháp để thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực công nghệ thông tin; khắc phục tình trạng các nền tảng số chưa thống nhất, chưa chia sẻ, kết nối; giải pháp thúc đẩy nền tảng số trên không gian mạng; quản lý nhà nước về mạng xã hội; biện pháp để giúp người dân tham gia vào nền tảng số; Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đại biểu cũng tập trung vào các nội dung về việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử.
Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề về thông tin và truyền thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, công nghệ thông tin đã góp phần cải cách hành chính, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống, minh bạch hóa thông tin, thực hiện công bằng xã hội. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và ứng dụng phát triển mạng xã hội, các dịch vụ truyền thông trên internet đã có tác động rất lớn đến đời sống của người dân và toàn xã hội.
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ. Các ý kiến tập trung vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tác động của việc tinh giản biên chế đối với cải cách tiền lương; giải pháp để tinh giản biên chế đạt hiệu quả theo Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; thực trạng và giải pháp xây dựng hệ thống vị trí việc làm để cải cách tiền lương; về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư