(MPI) – Ngày 17/11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp với đại diện các Bộ, ngành liên quan về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập còn phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp. Quy trình phức tạp, chồng chéo về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đầu tư bổ sung vốn của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào công ty con, công ty liên kết. Chưa có sự thống nhất về: Quy trình, thủ tục thành lập mới công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của Công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định tại Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về khoản vay nước ngoài theo phương thức doanh nghiệp tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ.
Mục đích sửa đổi Nghị định nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật số 69/2014/QH13 và các quy định của pháp luật về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hướng tạo sự chủ động và nâng cao vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hoạt động; giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những quy định của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP đang được thực hiện ổn định, không có vướng mắc; đồng thời thay thế, bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tế trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với Luật số 69/2014/QH13. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát. Đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong việc quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp đã thay mặt Tổ biên tập trình bày Báo cáo nêu ra 06 vấn đề trong nội dung dự thảo Nghị định cần xin ý kiến. Cụ thể, về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể, chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, khoản 2 Điều 41 Luật số 69/2014/QH13 quy định 04 quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với loại doanh nghiệp này gồm Quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại; Vốn điều lệ; Phê duyệt chiến lược, kế hoạch 5 năm; Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Quy trình, thủ tục phức tạp và thường kéo dài gây lãng phí. Không chủ động, không nắm bắt được các cơ hội đầu tư theo tín hiệu của thị trường. Vì vậy, nội dung dự thảo Nghị định đề xuất giao cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, bao gồm cả doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Về thành lập mới công ty con là công ty TNHH của Công ty mẹ do nhà nước nắm 100% vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, chưa thống nhất giữa hai văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP quy định: Hội đồng thành viên Công ty mẹ quyết định việc thành lập công ty con sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tại Đề án cơ cấu lại công ty mẹ. Khoản 6 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP: Hội đồng thành viên đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập mới công ty con 100% vốn của doanh nghiệp. Quyết định thành lập công ty con 100% vốn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương”. Nội dung dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi khoản 6 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP.
Về việc quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đầu tư bổ sung vốn vào công ty con, công ty liên kết, khoản 8 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định: Hội đồng thành viên đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung vào công ty con, công ty liên kết trong trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật. Theo Luật Đầu tư, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. Nội dung dự thảo Nghị định đề xuất giao cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chủ trương bổ sung vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung của công ty mẹ vào công ty con, công ty liên kết; Hội đồng thành viên quyết định đầu tư sau khi được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chủ trương đầu tư.
Về chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết, tại khoản 3 Điều 42, điểm h khoản 2 Điều 42 Luật 69/2014/QH13 và khoản 7 Điều 11 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm: “Quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở nên”. Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP quy định: “Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định phương án chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thuộc danh mục vốn đầu tư trong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp sau khi phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Việc chuyển nhượng vốn gặp khó khăn và chậm triển khai, không thể thoái vốn tại thời điểm thích hợp và thu hồi giá trị cao nhất phần vốn đã đầu tư. Vì vậy, dự thảo Nghị định đề xuất phương án không sửa đổi quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập nội dung: “Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định danh mục chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của Công ty mẹ”.
Về trách nhiệm phê duyệt các khoản vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tại điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định: “Đối với khoản vay nước ngoài theo phương thức doanh nghiệp tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, trừ khoản vay vốn nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm, cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận”. Dự thảo Nghị định đề xuất không quy định về nội dung này.
Về việc vận dụng các quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, một số cơ quan đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hướng dẫn và cho phép các cơ quan này được vận dụng Nghị định số 10/2019/NĐ-CP trong việc quản lý và thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp trực thuộc quản lý. Nội dung dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung điều khoản quy định các tổ chức chính trị, xã hội có thể vận dụng các quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP để thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu (là các tổ chức chính trị, xã hội) tại doanh nghiệp do các tổ chức này quyết định thành lập.
Tại cuộc họp, đại diện đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, … đã có những ý kiến góp ý về các vấn đề trong Báo cáo, đồng thời làm rõ thêm các nội dung quy định về doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, việc xin ý kiến cơ quan người đại diện chủ sở hữu, thẩm quyền trong việc thực hiện dự án, các điều khoản chuyển tiếp trong quá trình thực hiện./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư