Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 13/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) Tổng thống Widodo nhấn mạnh cần tăng cường tài khóa của các nước ASEA để ổn định tài chính; tăng cường hỗ trợ tài chính quốc tế và thương mại thế giới cần ưu tiên hỗ trợ những nước đang phát triển.
Ngày 13/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra 3 giải pháp trọng tâm chính của ASEAN để đối phó với các thách thức kinh tế khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, phát biểu tại Đối thoại toàn cầu ASEAN lần thứ 2 với chủ đề "Phục hồi toàn diện sau COVID-19" diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan vừa bế mạc chiều cùng ngày tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Tổng thống Widodo nêu rõ mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân vẫn khả quan, nhưng trong tương lai, những thách thức kinh tế khu vực sẽ còn gay gắt hơn, đặc biệt là với nguy cơ suy thoái. Vì vậy, Indonesia muốn tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tăng cường tài khóa của các nước ASEAN. Tổng thống Widodo khuyến khích rằng không gian tài khóa phải được tạo ra để ổn định tài chính.
Tương tự như vậy, hiệu quả chi tiêu và phân bổ cho các chương trình giảm thiểu tác động của khủng hoảng phải được ưu tiên, bao gồm cả mạng lưới an toàn cho người nghèo. Ông cho rằng cần ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực có tác động đến kinh tế khu vực.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã xác định những lĩnh vực cần quan tâm đó là du lịch, chế biến nông sản và dệt may. Những lĩnh vực này rất quan trọng vì chúng liên quan đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa (MSME), chiếm tới 90% hoạt động kinh doanh ASEAN.
Thứ hai, tăng cường hỗ trợ tài chính quốc tế. Tổng thống Indonesia nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức tài chính quốc tế trong ứng phó với khủng hoảng và giảm thiểu tác động do các công cụ tài chính linh hoạt khác nhau gây ra.
Ông nhấn mạnh: “Có những công cụ mang tính chất khẩn cấp để có thể được sử dụng nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng, và quan trọng hơn, cần phải có những công cụ có chức năng ngăn chặn khủng hoảng. Sự hỗ trợ này rất quan trọng đối với ASEAN để dự đoán mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng trong tương lai. Một trong số các công cụ đó là tăng cường cơ sở hạ tầng tài chính trong khu vực, bao gồm cả phối hợp chính sách tài chính.
Cuối cùng, thương mại thế giới phải được điều chỉnh theo hướng ưu tiên hỗ trợ những nước đang phát triển. Hiện thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó các nước đang phát triển là những “mắt xích yếu” dễ bị tổn thương.
Các nước này chưa hình thành nền công nghiệp sản xuất hạ nguồn và đây là một khó khăn lớn. Theo Tổng thống Widodo, các nước đang phát triển xuất khẩu nguyên liệu thô sẽ không thu được lợi nhuận tương xứng.
Vì vậy, các nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy nền công nghiệp chế biến hạ nguồn. Tổng thống Indonesia tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ và cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay./.