Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/11/2022-19:29:00 PM
Phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, chiều ngày 29/11/2022 đã diễn ra phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp. Ảnh: MPI

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 349/QĐ-TTg ngày 06/3/2022 với mục tiêu đảm bảo tuân thủ, phù hợp, thường xuyên cập nhật những chủ trương, định hướng của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng,... liên quan đến địa bàn tỉnh; Xây dựng các phương án, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, phát triển hài hòa giữa các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh; có tính khả thi cao, phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của tỉnh, khai thác được các tiềm năng, thế mạnh và các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh; tạo nền tảng phát triển một cách bền vững cho các giai đoạn tiếp theo và tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lai Châu cũng như sự phối với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch. Lai Châu là tỉnh sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định xem xét.

Để tỉnh Lai Châu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị đại biểu dự họp tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về các nội dung như việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch; sự phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Lai Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch theo quy định Luật quy hoạch; việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành.

Đồng thời, tập trung đánh giá về phương pháp và nội dung quy hoạch tỉnh Lai Châu, đặc biệt là phương pháp tích hợp quy hoạch, dữ liệu chồng lớp bản đồ; xác định vai trò, lợi thế của tỉnh trong vùng; quan điểm, triết lý, tầm nhìn phát triển trong thời kỳ quy hoạch; các ngành ưu tiên phát triển và các vùng động lực phát triển, định hướng phát triển từng ngành, từng lãnh thổ trong tỉnh; định hướng phân bố không gian, nguồn lực, phân bố các dự án có tính đột phá để tạo động lực cho sự phát triển, khai thác có hiệu quả cao nhất tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Lai Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình lập quy hoạch có sự trao đổi thường xuyên liên tục giữa cơ quan lập quy hoạch với các sở, ban, ngành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các nội dung của quy hoạch.

Ông Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, tỉnh Lai Châu luôn xác định đây là nhiệm có ý nghĩa quan trọng, giúp tỉnh có tầm nhìn xa hơn. Đồng thời chia sẻ về những khó khăn của tỉnh như diện tích rộng nhưng 90% có độ dốc từ 25 độ trở lên nên diện tích đất phát triển kinh tế - xã hội rất khó khăn; mật độ dân số thấp nhất cả nước, gần 52 người/km, không có đường sắt, đường thủy, chỉ có đường bộ độc đạo. Ngoài dân số thấp, Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 85%.

Từ những khó khăn như vậy cho thấy việc lập quy hoạch có tầm nhìn sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện, bền vững; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới, trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trình bày báo cáo tóm tắt quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Ngọc Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu cho biết, quy hoạch được xây dựng dựa trên 05 quan điểm, trong đó, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt; phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ chiến lược về quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Lai Châu đưa ra các trọng tâm phát triển: một trục - hai vùng - ba trụ cột; Bốn khâu đột phá chiến lược, gồm: Thứ nhất, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Thứ ba, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Thứ tư, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Hồ sơ quy hoạch tỉnh Lai Châu được đánh giá chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tuân thủ các quy định, đáp ứng yêu cầu đề ra; tuy nhiên cần tiếp tục rà soát bố cục, kết cấu để đáp ứng tốt hơn. Về quan điểm mục tiêu lựa chọn phương án phát triển cần bổ sung rõ hơn quan điểm về không gian; đánh giá thực trạng, phân bổ không gian của tỉnh cũng như của ngành; phân bổ nguồn lực (vốn, đất đai), dự án triển khai.

Ông Phạm Ngọc Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu trình bày báo cáo tóm tắt quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: MPI

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung quan điểm bảo vệ khai thác rừng, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn; thống nhất kịch bản lựa chọn, luận giải các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ. Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, cần luận giải tính khả thi; bổ sung phương án khu vực khuyến khích và hạn chế phát triển; đề xuất cơ chế liên vùng liên huyện, vùng kinh tế sinh thái.

Về hệ thống đô thị, cần nghiên cứu để gắn dịch vụ du lịch với hành lang các tỉnh lân cận; bổ sung phương án các khu chức năng, các khu, điểm du lịch; chỉnh sửa hoàn thiện, bố trí sắp xếp, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phương án phát triển khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, những khu vực có vai trò động lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Ý kiến của các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm về lĩnh vực kinh tế; du lịch, văn hóa; việc làm, an sinh xã hội; tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Đồng thời nhấn mạnh thêm về phương án phát triển mạng lưới giao thông; bổ sung dự báo nhu cầu vận tải, các luồng tuyến cụ thể để xác định quy mô, phạm vi cũng như thứ tự dự án ưu tiên; là tỉnh còn nhiều khó khăn, do vậy việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng gắn với nhu cầu nguồn lực đầu tư thì cần rà soát kỹ để đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh. Cùng với đó, cần bổ sung định hướng về điện sinh khối trên địa bản tỉnh, đảm bảo quy hoạch điện VIII và hiệu quả đầu tư. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, rà soát đảm bảo các phương án đảm bảo hạ tầng khoa học công nghệ, an sinh xã hội. Phân bổ và phân vùng đất đai theo từng loại đất, rà soát quan điểm, làm rõ căn cứ chuyển đổi sử dụng đất; phương án bảo vệ môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học.

Hội đồng thẩm định cũng đã nghe Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến và nhấn mạnh, các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chiến lược quý báu của các đại biểu là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục hoàn thiện bản quy hoạch thực sự có chất lượng đảm bảo tính khoa học, khả thi. Đồng thời khẳng định, UBND tỉnh Lai Châu sẽ chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tỉnh và các ngành có liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, việc hoàn thành Quy hoạch tỉnh được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của Hội đồng thẩm định và các Bộ, ngành Trung ương.

Với kết quả 100% phiếu đồng ý, Hội đồng thẩm định đã thông qua quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, quy hoạch được tiến hành lập đúng quy định; hồ sơ cơ bản đầy đủ; nội dung cơ bản đáp ứng yêu cầu, phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung quy hoạch cũng đã cơ bản xem xét đến tính hợp lý, logic giữa các nội dung đề xuất, các tích hợp hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa. Đồng thời đề nghị tỉnh Lai Châu chỉ đạo, tiếp thu giải trình các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đạt chất lượng cao nhất trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2469
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)