(MPI) – Ngày 10/4/2015, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Kết luận số 107-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết luận đưa ra những kết quả đạt được cũng như hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời thống nhất các nhiệm vụ cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Tại Kết luận, Ban Bí thư thống nhất, chủ trương tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là đúng đắn; góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng. Việc thực hiện cuộc vận động đã đạt nhiều kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực tuyên truyền, vận động, quản lý sản xuất, kinh doanh, mua sắm công, tiêu dùng cá nhân… Kết quả thực hiện cuộc vận động đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô và tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện cuộc vận động trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Nhiều tỉnh, thành phố và bộ, ngành Trung ương chưa ban hành chương trình hành động thực hiện Thông báo kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện cuộc vận động có việc, có nơi còn hình thức, biện pháp thực hiện thiếu cụ thể, thiết thực. Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế… Theo đó, những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do các cấp ủy đảng chưa nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động; chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Việc xây dựng thương hiệu Việt còn hạn chế, chưa đánh giá so sánh chất lượng hàng trong nước và hàng nhập khẩu để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích dùng hàng nhập khẩu.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, các tỉnh ủy, thành ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xác định nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình hành động của cấp ủy. Tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo kết luận số 264-TB/TW, ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 634/QĐ-TTg, ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo cuộc vận động và thường xuyên chỉ đạo hoạt động của ban chỉ đạo ở địa phương, đơn vị.
Thứ hai, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghệ hỗ trợ; đồng thời khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính. Mở rộng các kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập trái phép. Phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện cuộc vận động. Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện cuộc vận động.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện cuộc vận động. Gắn thực hiện cuộc vận động này với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiêu dùng và quảng bá hàng Việt Nam.
Vận động nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần cùng chính quyền thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên để triển khai thực hiện cuộc vận động, phù hợp với đặc điểm và chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thành viên.
Thứ tư, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của người sản xuất và người tiêu dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân về các vấn đề liên quan đến thị trường, chất lượng hàng hóa, kịp thời chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý; thường xuyên phát hiện, giới thiệu các điển hình tiên tiến trong cuộc vận động.
Củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở trung ương, tỉnh, thành phố. Tùy theo đặc điểm các địa phương, trưởng ban chỉ đạo có thể là phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc đồng chí ủy viên ban thường vụ - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nơi nào có điều kiện thì thành lập ban chỉ đạo đến cấp huyện. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cuộc vận động ở các cấp, nhất là các bộ, ngành và tỉnh, thành phố chưa triển khai thực hiện cuộc vận động. Khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu, có uy tín đã tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện cuộc vận động phù hợp với Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông báo kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị và Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư