(MPI) - Thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 26 của Luật Bảo vệ môi trường, triển khai kế hoạch thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Giang, chiều ngày 01/12/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tham vấn ý kiến của các ủy viên phản biện, các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan chủ trìthẩm định quy hoạch có trách nhiệm thẩm định kết quảđánh giá môi trường chiến lược trong quá trình thẩm địnhquy hoạch. Cơ quan phê duyệt chiến lược có trách nhiệm xem xét kết quả đánh giá môi trường chiến lượctrong quá trình phê duyệt.
|
Ông Nguyễn Mạnh Lam phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm về đánh giá môi trường chiến lược, qua đó giúp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh trong việc tổ chức thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Hà Giang đảm bảo khoa học, thực tiễn và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Mạnh Lam đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào 05 nhóm vấn đề quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường. Một là, các nội dung của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường; Phạm vi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; Thành phần môi trường, di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch.
Hai là, các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược đã áp dụng; So sánh, đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường, chiến lược, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Ba là, kết quả nhận dạng các vấn đề môi trường chính có tính tích cực và tiêu cực của quy hoạch; Tác động của biến đổi khí hậu; Kết quả dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính khi thực hiện quy hoạch; giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính.
Bốn là, định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch; Kết quả tham vấn các bên có liên quan trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Năm là, vấn đề cần lưu ý về bảo vệ môi trường (nếu có), kiến nghị phương hướng và giải pháp khắc phục.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Văn Đoàn, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 04/8/2020, tỉnh Hà Giang đã tiến hành xây dựng quy hoạch tỉnh bám sát quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo vệ môi trường và nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, đặc biệt là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Với đặc điểm là tỉnh địa đầu của Tổ quốc, phía Bắc và Tây Bắc giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc; Phía Nam giáp với tỉnh Tuyên Quang; Phía Đông giáp với tỉnh Cao Bằng; Phía Tây giáp với tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái. Là tỉnh còn nhiều khó khăn, do vậy, trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng tích hợp quy hoạch nhằm thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc; bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện với phương châm sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá.
Là đơn vị được giao chủ trì xây dựng quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến quý báu, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, giúp tỉnh hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch tỉnh với kết quả cao nhất trước khi trình Hội đồng thẩm xem xét, thông qua.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được trình bày tại Hội thảo đưa ra các vấn đề môi trường chính, gồm: suy giảm trữ lượng và chất lượng môi trường chính; tác động đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên; Gia tăng chất thải rắn, rủi ro thiên tai; suy giảm chất lượng không khí.
Cho ý kiến đối với dự thảo báo cáo, các đại biểu cho rằng, Báo cáo cũng đã nêu bật được tác động của môi trường đến quy hoạch, bám sát quy định; tập trung vào môi trường nước, chất thải rắn, đa dạng sinh học. Để hoàn thiện báo cáo phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh Hà Giang, đại biểu đã góp ý, đề nghị bổ sung thêm một số nội dung về mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch có liên quan, xác định vị trí của Hà Giang trong các quy hoạch cao hơn, quy hoạch ngành, để đảm bảo sự phù hợp. Đánh giá tác động của quy hoạch lên đa dạng sinh học cần làm rõ hơn, đặc biệt là về chồng lớp bản đồ giao thông, điện, sử dụng đất, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; giải pháp quản lý, đánh giá diễn biến tài nguyên và nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt là tại các huyện vùng cao núi đá.
Báo cáo đã bổ sung, đề xuất giải pháp về khoa học công nghệ nhưng thiếu phương án tổ chức thực hiện và tính khả thi; làm rõ giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu và giải pháp giảm nhẹ; bổ sung, lồng ghép quan điểm phát triển kinh tế xanh, cac-bon thấp, phát triển tuần hoàn, hướng tới phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050; lồng ghép định hướng phát triển du lịch, thương mại, khai thác khoáng sản; đánh giá tác động sói lở bờ sông; các tác động nên lượng hóa cụ thể, tránh sự chung chung.
Sau quá trình thảo luận, tham gia ý kiến, các chuyên gia đã xem xét, cho ý kiến bằng phiếu, qua đó nhằm giúp tỉnh Hà Giang hoàn thiện báo cáo Đánh giá tác động môi trường chiến lược.
|
Ông Lương Văn Đoàn phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu giải trình, tiếp thu, ông Lương Văn Đoàn cảm ơn các ý kiến góp ý quý báu, tâm huyết, trách nhiệm, giúp tỉnh có thêm nhiều thông tin và khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển, đúng với mục tiêu quy hoạch tỉnh đưa ra là Hà Giang phát triển xanh, bản sắc, bền vững; cập nhật cơ sở dữ liệu để có thêm số liệu và đánh giá tác động; tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kết quả cao nhất trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư