(MPI) – Đây là nội dung phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2022 được tổ chức vào chiều ngày 16/12/2022, tại Hà Nội với chủ đề “Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm”.
Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Oh Young Ju, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, Hiệp hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và đại diện doanh nghiệp hai nước.
Năm 2022 là năm rất ý nghĩa, Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Đặc biệt, đầu tháng 12, theo lời mời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-ryul, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Hàn Quốc. Tại chuyến thăm, Lãnh đạo hai nước đã thống nhất nâng tầm quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra trang sử mới của quan hệ hai nước.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2022 được tổ chức ngay sau chuyến thăm Hàn Quốc thành công hết sức tốt đẹp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là cơ hội để hai bên cùng trao đổi về những chiến lược hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, mở ra những kết nối giữa các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước bước sang trang mới tươi sáng hơn, sâu sắc, toàn diện và hiệu quả hơn.
Gần đây, trong bối cảnh kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tiếp tục diễn ra gay gắt; các sự cố bất thường như dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư toàn cầu, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất nên rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia đã tái cơ cấu, định vị lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa chiến lược đầu tư của mình.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với những lợi thế cạnh tranh sẵn có về địa kinh tế, chính trị cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thông qua việc sửa đổi nhiều Luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản,… đảm bảo phù hợp yêu cầu thực tiễn và tiệm cận với thông lệ quốc tế, qua đó, giúp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam theo hướng thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh, tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, các bộ ngành và các địa phương thường xuyên nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, Việt Nam đã được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, với sự hiện diện của các nhà đầu tư đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 36 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký lũy kế đạt hơn 435 tỷ USD. Với kết quả đó, Việt Nam lần đầu tiên được Tổ chức Thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Trong năm 2022, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và dự kiến tăng trưởng GDP gần 8%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát; đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt gần 20 tỷ USD, tăng 15 % so với năm 2021; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn đã quay trở lại hoạt động với 100% công suất.
Theo xếp hạng của Nikkei Asia, Việt Nam đứng thứ 8/121 nước có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh nhất; Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ tiền tệ quốc tế liên tục điều chỉnh nâng mức dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam lên. Đặc biệt như Tổ chức Moody’s và S&P đều xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”.
Những con số trên thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, chính quyền các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng cao, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về số vốn đăng ký và số dự án đầu tư với gần 9.500 dự án và hơn 80 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với hơn 370 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao hoạt động kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, SK, Lotte... đã triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư của Hàn Quốc đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, dự án năng lượng, tài chính - ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao ...
“Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế đối tác FDI hàng đầu, phấn đấu đến trước năm 2025, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hiện thực hóa mục tiêu kép, đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD”, Thứ trưởng nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ghi nhận sự quyết tâm, nghiêm túc và triển khai dự án nhanh chóng của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam; cảm ơn những đóng góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc với xã hội và cộng đồng, nhất là trong giai đoạn Covid-19 vừa qua.
Trong thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, Việt Nam mong muốn các địa phương và doanh nghiệp Hàn Quốc ưu tiên hợp tác và đầu tư trong một số lĩnh vực tiềm năng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, chất bán dẫn, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và sự hợp tác này có tính bổ trợ cho nhau cùng phát triển bền vững. Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo bà Oh Young Ju, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp ở mức cao nhất. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Hội nghị thượng đỉnh giữa ngài Chủ tịch và Tổng thống Hàn Quốc đã diễn ra tốt đẹp, qua đó hai bên đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Đồng thời mong muốn, Diễn đàn sẽ là cơ hội tốt để cùng nhìn lại, đánh giá những thành tựu hợp tác kinh tế trong 30 năm qua, đồng thời tìm kiếm, hướng tới những hợp tác kinh tế mới và tương lai 100 năm quan hệ hai nước.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã hai lần nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” vào năm 2001, tiếp theo đó là “Đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009. Và tháng 12/2022, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Hàn Quốc, hai nước đã nâng quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và giữa các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là sự hợp tác kinh doanh và đầu tư rất hiệu quả của doanh nghiệp hai nước, sự giao lưu văn hóa, du lịch thường xuyên, sôi động. Quan hệ 30 năm đồng hành và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở thành đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, có ý nghĩa là nền tảng vững chắc để mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, thời kỳ của hợp tác chiến lược toàn diện, hiện thực hoá mục tiêu phát triển của mỗi nước, vì hạnh phúc của Nhân dân và thành công của các doanh nghiệp./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư