Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/12/2022-12:31:00 PM
Hội thảo các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 21/12/2022, hướng tới Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội. Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên hợp quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra như quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia …

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, Hội thảo nhằm thảo luận các nội dung liên quan đến Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Nội dung của Hội thảo tập trung vào cam kết của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới và các mục tiêu đã được xây dựng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra ba thay đổi lớn trong thực hiện các mục tiêu SDGs trong giai đoạn vừa qua. Thứ nhất, đó là các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã trở thành định hướng xuyên suốt cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, ngành và địa phương. Các chính sách trên ngành/lĩnh vực đã tích hợp toàn diện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Theo đó, đã chú ý và lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau” và đồng thời hướng tới các mục tiêu/cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển đất nước.

Thứ hai, theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu SDGs đã trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, định kỳ hằng năm với sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Hướng dẫn giám sát, đánh giá các mục tiêu SDGs cùng với Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam đã tạo cơ sở cho công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu SDGs quốc gia, ngành và địa phương. Theo đó, hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu SDGs vào năm 2018 và tới đây là 2023. Năm 2020, Việt Nam đã xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện SDGs lần thứ nhất.

Thứ ba, thứ hạng thực hiện SDGs mặc dù có những thay đổi do nhóm xếp hạng bổ sung một số chỉ tiêu và thay đổi phương pháp tính, song kết quả mà Việt Nam đạt được là khả quan. Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Xét trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập tương đương, Việt Nam có sự thể hiện tương đối ấn tượng, đứng thứ 3/54 quốc gia có thu nhập trung bình thấp (sau Ukraina và Kyrgyzstan) và đứng thứ 12/88 quốc gia có thu nhập trung bình (cả thấp và cao) theo chỉ số xếp hạng năm 2021.

Để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu SDGs trong thời gian tới, bài tham luận cũng đưa ra 8 nhóm giải pháp chính cần tập trung. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách; Thúc đẩy các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững; Tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan để tạo lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; Tiếp tục chú trọng vào việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng để tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro bất định do biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; Tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò, vị thế quốc gia; Tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu SDGs.

Qua Hội thảo, những nghiên cứu của các nhà khoa học, những ý kiến thảo luận, trao đổi, kiến nghị của các chuyên gia sẽ góp phần hoàn thiện hơn cơ sở lý luận về phát triển bền vững, giúp đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1550
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)