Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/01/2023-19:18:00 PM
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu khái quát một số nhóm nguyên nhân và giải pháp để tăng trưởng GDP đạt 8,02%
(MPI) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 03/01/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã làm rõ câu hỏi được nhà báo quan tâm liên quan đến những giải pháp để đạt kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 trên 8%, trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế hàng đầu ASEAN.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm. Ảnh: Chinhphu.vn

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhằm phục vụ cho phiên họp Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 để phục vụ xây dựng Nghị quyết 01 mới của năm 2023 của Chính phủ. Trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01 2022 có 12 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 200 nhiệm vụ, giải pháp chi tiết, cho thấy khối lượng công việc khổng lồ của các bộ, ngành, địa phương triển khai trong năm 2022 để đóng góp vào kết quả chung của cả nước.

Công tác điều hành của Chính phủ rất thường xuyên, liên tục và có những nghị quyết thường kỳ cũng như các nghị quyết chuyên đề, đặc biệt đối với các lĩnh vực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có các nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn, về giải ngân vốn đầu tư công… và hàng loạt giải pháp mang tính chuyên ngành của các bộ chủ quản cũng như của các địa phương.

Khái quát lại, nguyên nhân thứ nhất là xuất phát từ đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực từ phòng chống dịch cho đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh… Từ những chủ trương đúng đắn như vậy, hệ thống cơ quan của Chính phủ cũng như cơ quan của Quốc hội đã có những quyết sách, chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, tác động đến các mặt của nền kinh tế để đạt được kết quả tích cực hơn. Trên cơ sở các quyết sách như vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm vừa qua hết sức quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả; các chỉ đạo của Chính phủ, thường trực Chính phủ; tổ chức các cuộc họp của Chính phủ, các cuộc họp thường niên, thường kỳ, các cuộc họp chuyên đề, các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ...

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, một nhóm giải pháp không thể bỏ qua là công tác tổ chức, triển khai thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương. Trong năm vừa qua, các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp hết sức mạnh mẽ và đạt được kết quả rất tích cực. Nổi bật lên về công tác điều hành sản xuất kinh doanh, giá cả, chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như giải ngân vốn đầu cư công… Tất cả những mảng lớn như vậy đều có những chính sách hết sức linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ.

Một nhóm giải pháp không thể không nói đến sự đồng lòng, đoàn kết, nhất trí và sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp này, có cả sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực về hỗ trợ nguồn lực và hỗ trợ tư vấn chính sách, tham mưu giúp cho Việt Nam có những quyết sách rất chính xác, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình và kết quả kinh tế - xã hội năm 2022; phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được trình bày tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra cùng ngày, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%; tăng trưởng GDP đạt 8,02%,mức cao nhất trong hơn 10 năm qua;các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước vượt 26,4% dự toán, tăng 13,8% so với năm 2021; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục trên 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo7,12triệu tấn; trên 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công nghiệp tăng 7,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; an ninh năng lượng được bảo đảm. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8%.

Đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tích cực triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính phủ tập trung hơn cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương thúc đẩy liên kết vùng, xây dựng quy hoạch theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng; xây dựng và ban hành các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế - xã hội.

Tập trung chỉ đạo công tác lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nâng cao chất lượng lập quy hoạch.Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 nhằm cụ thể hóa các yêu cầu bằng việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 817
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)