Sau thông tin lạm phát tại Pháp bất ngờ giảm xuống dưới 7%, lợi suất trái phiếu nước này đã giảm và chứng khoán châu Âu đi lên, với triển vọng cuộc khủng hoảng lạm phát ở châu Âu có thể lắng xuống.
|
Khung cảnh trang hoàng đón Năm mới ở Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Lạm phát tại Pháp bất ngờ giảm xuống dưới 7% trong tháng 12/2022 từ mức cao kỷ lục trong tháng trước đó.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy giá năng lượng tăng chậm lại đang giúp châu Âu vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng lạm phát.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE), tỷ lệ lạm phát tại nước này đã giảm xuống 6,7% trong tháng 12/2022, giảm so với tỷ lệ 7,1% trong tháng 11/2022 và thấp hơn mức dự đoán trung bình là 7,2% trong cuộc khảo sát của Reuters đối với các nhà kinh tế trước đó.
Số liệu lạm phát của Pháp đã bổ sung thêm bằng chứng về khả năng sức ép giá cả tại trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm bớt sau khi lạm phát tại Đức giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12/2022 và tuần trước Tây Ban Nha công bố tỷ lệ lạm phát thấp hơn.
Sau dữ liệu mới, lợi suất trái phiếu của Pháp đã giảm và chứng khoán châu Âu đi lên, với triển vọng cuộc khủng hoảng lạm phát ở châu Âu có thể lắng xuống.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định rằng lạm phát sẽ có xu hướng giảm trong suốt năm 2023.
Trước đó, ông dự báo lạm phát sẽ duy trì ở mức cao cho đến giữa năm trước khi giảm trở lại.
Trong ngắn hạn, giá năng lượng có thể sẽ làm tăng thêm sức ép lạm phát trong tháng Một do giá điện và khí đốt tăng 15% vào đầu năm.
Trong khi Pháp đã giữ lạm phát thấp hơn so với hầu hết các nước EU khác nhờ hạn chế tăng giá điện và khí đốt, sự giảm sút sức mua đang làm xói mòn niềm tin của các hộ gia đình.
INSEE cho biết trong một báo cáo riêng rằng chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã giảm nhẹ từ 83 trong tháng 11/2022 xuống 82 trong tháng 12/2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 100.
Trong khi cuộc khảo sát hàng tháng của INSEE cho thấy mối lo ngại của các hộ gia đình về tình trạng thất nghiệp, tài chính và lạm phát gia tăng, sức mua suy giảm cũng đang gây ra căng thẳng xã hội./.