Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/11/2014-17:35:00 PM
Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

(MPI Portal) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 26/11/2014, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với tỷ lệ 85,51% số phiếu tán thành.

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Sau khi Quốc hội thảo luận tại hội trường, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp. Tất cả những ý kiến đó đã được chỉnh lý và trong dự luật trình ra Quốc hội xem xét, biểu quyết đã được hoàn chỉnh gồm có 10 chương và 213 điều quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là doanh nghiệp); quy định về nhóm công ty; trình tự đăng ký doanh nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tài sản góp vốn…

Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của các doanh nghiệp.

Nội dung Luật quan trọng này được xây dựng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân trong các ngành, nghề mà luật không cấm; tạo bước đột phá mới về cải cách thể chế kinh tế, nâng cao chất lượng của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát huy nội lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Điểm mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là bãi bỏ đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh.

Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được xây dựng theo nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, tiếp tục mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, tháo gỡ rào cản trong thành lập doanh nghiệp, tạo sự thông thoáng trong việc thu hút vốn của các thành phần kinh tế. Để phát huy được hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý doanh nghiệp cần phải luật hóa các quy định công tác hậu kiểm, quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để có cơ chế tốt trong công tác hậu kiểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Việc thông qua Luật này với kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích trong việc tạo thuận lợi trong thành lập và quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2022
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)