Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/02/2023-09:37:00 AM
Quyết tâm cao nhất thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2023 đã đề ra
(MPI) - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023 diễn ra ngày 02/02/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nền kinh tế mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đợt nghỉ lễ kéo dài, nhưng tiếp tục phát triển tích cực; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai công việc ngay trong và sau Tết Nguyên đán, với quyết tâm cao nhất thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2023 đã đề ra.
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 02; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 01 tháng năm 2023; Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và cho biết, trong tháng 01, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến và tác động của xung đột quân sự Nga - Ucraine; chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; việc khôi phục các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất trên toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn; lạm phát tuy đã chậm lại nhưng tiêu dùng và các hoạt động kinh tế đang suy giảm trên diện rộng; thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp... nhiều tổ chức quốc tế như WB, IMF đồng loạt hạ thấp mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, khả năng thiếu nước, hạn mặn, thiên tai... ngày càng khó lường.

Trong nước không khí đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, và an toàn; nguồn cung, giá cả hàng hóa ổn định trước, trong và sau Tết; công tác an sinh xã hội được bảo đảm, chu đáo với tinh thần “không để ai không có Tết”; phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết được đảm bảo.

Một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật trong tháng 01/2023 như tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước; Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực, đến ngày 17/01 tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán. Thu NSNN tháng 01 đạt 11,3% dự toán;Vốn FDI đăng ký mới có tín hiệu tích cực, tháng 01 đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 01 ước xuất siêu 3,6 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Sản xuất nông nghiệp ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 2,5%), loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 4%). Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, giá không có biến động lớn; không để xảy ra thiếu hàng sốt giá; phát huy hiệu quả các chương trình bình ổn giá tại các địa phương. Du lịch phục hồi nhanh.

Quyết liệt, tập trung triển khai các nhiệm vụ năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm. Trong tháng 01, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều nội dung chính sách quan trọng. Ngay trong và sau thời gian nghỉ Tết, Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, nhanh chóng khơi thông nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới, khí thế mới, không gian mới để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bảo đảm an sinh xã hội, chuẩn bị và đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an ninh, an toàn, mọi nhà đều có Tết được quan tâm. Thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ. Quốc phòng an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tháng 01/2023, do nghỉ Tết nên số ngày làm việc chỉ bằng 2/3 so với các tháng khác, cùng với tác động của tình hình thế giới nên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu... điều hành vĩ mô tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đạt thấp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01 bằng 92% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm cao hơn tháng Tết các năm 2018-20225.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2023 giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trưởng tăng 14,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 01 đều giảm so với cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm là 25%, 21,3% và 28,9%. Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực giảm mạnh.

Thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản, dòng tiền và tiếp cận nguồn vốn, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân"; nhiều doanh nghiệp báo lỗ hoặc phát sinh doanh thu rất thấp trong Quý IV/2022 và cả tháng 01/2023. Áp lực điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tăng cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát hiện nay không phải tập trung vào riêng chính sách tiền tệ, mà phải đồng thời là cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định. Tình hình doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn trong thời gian vừa qua sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế năm 2023. Điều này đòi hỏi phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý I năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bối cảnh, dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là trong Quý I và nửa đầu năm 2023; chính sách tiền tệ và các điều kiện tài chính thắt chặt, ảnh hưởng rõ nét hơn đến sản xuất kinh doanh; phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm.

Do vậy, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình hành động của Chính phủ triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chỉ thị số 03/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán; chủ động giải pháp thích ứng kịp thời với bối cảnh, tình hình mới và các tình huống phát sinh; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời để tập trung xử lý, tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn, vướng mắc; thực hiện hiệu quả 03 đột phá chiến lược, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các định hướng lớn.

Theo đó, điều hành chính sách tài khóa chủ động, giảm tối đa độ trễ trong xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai. Chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, góp phần giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ đời sống người dân, người lao động, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, đối tượng yếu thế.

Chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, tập trung giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; phối hợp chặt chẽ các bộ ngành để điều hành đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Chính sách về giá thận trọng, giữ ổn định giá các mặt hàng do Nhà nước - quản lý, nhất là các nhóm hàng có tác động mạnh đến lạm phát, chi phí vận chuyển, sản xuất và đời sống người dân như là điện, xăng, dầu... tránh tác động đồng thời, cộng hưởng đến lạm phát trong nước.

Tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu và tác động đến nước ta, chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ rào cản, vướng mắc về quy định cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Về tình hình triển khai chương trình phục hỏi và phát triển ktxh; phân bỏ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 01 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 13 tháng năm 2022, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/01/2023 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (95,11%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân 13 tháng năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23%.

Về tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, đã ban hành 69 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 03 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa hoàn thành./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2608
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)