(MPI) – Ngày 10/02/2023, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Lazada Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số và thương mại điện tử.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong những năm qua, phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt là trọng tâm ưu tiên, được thể hiện trong một số văn bản điều hành như Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững. Các văn bản đã nêu bật quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững.
Các xu hướng nổi bật của kinh tế số trên thế giới bao gồm phát triển thương mại số, thỏa thuận kinh tế số, ứng dụng đồng tiền số và ngân hàng số. Để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các Hiệp định Thương mại tự do. Hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không…
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế và đại biểu đã trao đổi các nội dung, quy định chính sách, định hướng cụ thể giúp xác định những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam về phát triển kinh tế số trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã nêu ra một số vấn đề để phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử trong nền kinh tế số như hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng; Đảm bảo môi trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng; Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương; Phát triển thương mại điện tử xanh - Thương mại điện tử gắn liền bảo vệ môi trường; Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; Tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số theo hướng bền vững.
Qua các bài trình bày và nội dung trao đổi, Hội thảo đã cung cấp các góc nhìn khác nhau về kinh tế số và phát triển bền vững từ các xu hướng phát triển. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được xem là chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế số. Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư