Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/02/2023-13:53:00 PM
Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm do lạm phát cao và xuất khẩu trì trệ
Đây là lần đầu tiên Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đưa ra đánh giá rằng nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng chậm lại kể từ khi dần hồi phục sau hậu quả của đại dịch COVID-19.
Người dân bơm xăng tại một cây xăng ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/6/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) ngày 17/2 cho biết nền kinh tế Xứ sở kim chi đã tăng trưởng chậm lại trong bối cảnhlạm phátcao hơn và xuất khẩu tiếp tục trì trệ.

MOEF đã đề cập đến khả năng suy thoái kinh tế trong báo cáo đánh giá kinh tế hàng tháng, được gọi là “Sách Xanh” (kể từ tháng 6/2022) trong đó nhấn mạnh rằng: lạm phát của Hàn Quốc vẫn ở mức cao và phục hồi tiêu dùng trong nước đang chậm lại.

Trong khi đó, việc xuất khẩu sụt giảm liên tục và tâm lý kinh doanh xấu đi đã cho thấy nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang suy thoái.

Đây cũng là lần đầu tiên MOEF đưa ra đánh giá rằng nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng chậm lại kể từ khi dần hồi phục sau hậu quả củađại dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Lee Seung-han, Giám đốc bộ phận phân tích kinh tế của MOEF cho biết thêm rằng: “(Kể từ tháng 6/2022),xuất khẩu của Hàn Quốcđã giảm mạnh và gần đây, ngay cả tiêu dùng cũng bắt đầu chậm lại.”

Vào tháng 1/2023, thâm hụt thương mại của Hàn Quốc ghi nhận đạt mức cao kỷ lục hàng tháng là 12,69 tỷ USD, đánh dấu tháng thua lỗ thứ 11 liên tiếp và chủ yếu là do chi phí năng lượng tăng vọt. Hàn Quốc vốn là nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng.

Bên cạnh đó, giá tiêu dùng (thước đo chính của lạm phát) ở Hàn Quốc cũng đã tăng 5,2% trong tháng 1 so với một năm trước đó (mức tăng của tháng 12/2022 là 5%). Đây cũng là mức tăng lạm phát 5% hoặc cao hơn trong tháng thứ 9 liên tiếp.

Báo cáo kinh tế của MOEF có đoạn viết: “Bên ngoài, có những hy vọng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại và nền kinh tế toàn cầu hạ cánh nhẹ nhàng. Tuy nhiên, những bất ổn vẫn còn do các động thái thắt chặt tiền tệ và những lo ngại về cuộc xung đột quân sự kéo dài giữa Nga và Ukraine.”

Dữ liệu củaNgân hàng Trung ương Hàn Quốc(BoK) công bố tháng 1/2023 cho thấy nền kinh tế Xứ sở kim chi năm 2022 được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6%, chậm lại so với mức tăng 4,1% của năm 2021.

Trong khi đó, MOEF dự kiến nền kinh tế Hàn Quốc năm 2023 sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 1,6% do phải chuẩn bị cho tác động ảnh hưởng từ các động thái thắt chặt tiền tệ toàn cầu.

Trước đó, Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc(KERI) thuộc Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) ngày 3/2 đã công bố báo cáo “Xu hướng và triển vọng kinh tế,” trong đó điều chỉnh hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Xứ sở kim chi trong năm 2023 xuống còn 1,5%, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo trước đó với lý do tốc độ suy giảm kinh tế cuối năm 2022 tăng nhanh.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế 1,5% của KERI cũng thấp hơn 0,2% so với dự báo 1,7% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mới đây.

KERI lý giải rằng do Hàn Quốc không có động lực tăng trưởng kinh tế trong nước để vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu nên nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này sẽ chính thức đối đầu với khủng hoảng ngay trong năm 2023.

KERI nhận định thêm rằng nếu Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt tiền tệ và nợ tư nhân vẫn ở mức cao gây khủng hoảng thị trường tài chính thì quy mô giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có thể sẽ còn lớn hơn.

Hơn nữa, khả năng hỗ trợ về mặt chính sách của chính phủ Hàn Quốc cũng giảm do chi tiêu tài chính quá mức để đối phó với đại dịch COVID-19 nên việc hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế là điều “không thể tránh”./.

Anh Nguyên
TTXVN/Vietnam+

  • Tổng số lượt xem: 1379
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)