Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/02/2023-12:10:00 PM
Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
(MPI) - Ngày 21/02/2023 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát ở mức cao. Cạnh tranh chiến lược nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch COVID-19 trên toàn cầu còn nặng nề. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội tại nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Mặt khác, Việt Nam lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong; tình hình có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những giải pháp là thúc đẩy đầu tư công, giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển, song đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề, triển khai khó khăn.

Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…; bảo đảm an ninh, quốc phòng; giải quyết việc làm, tăng cường an sinh, xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng góp phần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả và các chính sách khác để tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 06 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã dành nhiều thời gian đi thị sát, kiểm tra các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia, của tỉnh, thành phố.

Nhờ đó, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.

Công việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nặng nề khi tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Phải có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu, nếu không giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công kéo dài gây lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Với khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn, yêu cầu cao hơn, mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023. Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cần có các giải pháp để tháo gỡ các nút thắt trong thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trong tháng 01/2023. Đồng thời thông tin chi tiết về tình hình giải ngân trong thời gian qua; đưa ra những đề xuất, kiến nghị đẩy mạnh phân bổ, giải ngân đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tính đến ngày 31/01/2023, Thành phố giải ngân được 71,3%, tuy không đạt mục tiêu là 95% nhưng có tăng so với năm 2021 là 6.900 tỷ đồng, tăng 35%. Đồng thời nêu các nguyên nhân chính như thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn của Thành phố trong năm 2022 làm chậm; nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến giải phóng mặt bằng chậm, vừa không giải phóng được mặt bằng vừa ảnh hưởng đến tiến độ xây lắp; giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng; thủ tục thuộc một số dự án ODA chậm. Nhưng bao trùm là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ còn chậm.

Năm 2023, Thành phố được phân bổ vốn là 70 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Rút kinh nghiệm của năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện tốt hơn để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đến nay, Thành phố đã phân bổ xong 100% vốn Trung ương, còn vốn địa phương còn một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện.

Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2022 và phương hướng năm 2023, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của Sở Kế hoạch và Đầu tư, của đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực, đã cho ý kiến về những khó khăn vướng mắc, nhất là những thủ tục phối hợp với các ngành với nhau, thủ tục về giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cương quyết nửa đầu năm nay công tác mặt bằng phải đảm bảo để thực hiện dự án. Đồng thời, tiến hành củng cố lại các tổ công tác, trong đó có tổ công tác về giải phóng mặt bằng, tổ công tác về các dự án có vốn lớn; tổ công tác về ODA; ban hành các văn bản, quy định, chương trình hành động và các chỉ đạo cụ thể cho từng dự án.

Đối với các công trình trọng điểm chủ yếu có vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, việc phối hợp với các đơn vị để di dời điện, nước, viễn thông… Cuối năm 2022, Thành phố đã giải quyết những nút thắt này để đến năm 2023, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ hơn nhằm giải quyết các vướng mắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho biết, năm 2022, tỷ lệ vốn giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 76,29% kế hoạch được giao. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đến nay vẫn thấp hơn so với trung bình của cả nước vì có một số khó khăn vướng mắc về công tác chuẩn bị đầu tư, việc chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần. Một số dự án bị vướng mắc điều chỉnh quy hoạch, việc giải phóng mặt bằng sạch cho các công trình chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tiến độ giải ngân và xây dựng công trình.

Về công tác liên kết, phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện dự án cũng còn thiếu tính chủ động, thiếu chặt chẽ; đặc biệt là năng lực một số nhà đầu tư chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án của địa phương còn hạn chế. Cùng với các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp quyết liệt như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh đã có một số giải pháp như họp giao ban hằng tháng, thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc; kịp thời xử lý các dự án, các nhà đầu tư còn chậm so với tiến độ. Đồng thời, kết quả triển khai giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư sẽ được đưa vào đánh giá xếp loại hằng năm.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh cũng đồng tình với chia sẻ của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn về công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa; các quy trình, thủ tục của các dự án đầu tư. Đồng thời, chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thực hiện để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đầu tư công trong thủ tục pháp lý, đất đai, giải phóng mặt bằng, công tác giá đất…

Thứ trưởngTrần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã làm rõ thêm một số nội dung, kiến nghị của các địa phương và nhấn mạnh, kết quả đạt được của năm 2022 rất tích cực với tỷ lệ giải ngân là 93,5%. Đây là thành quả của quá trình nỗ lực, cố gắng từ Trung ương đến địa phương, nhất là những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Tổ công tác; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực của các nhà đầu tư, các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn và đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022 và tiếp tục làm tốt hơn nữa trong năm 2023.

Liên quan đến một số kiến nghị vướng mắc về trình tự, thủ tục vốn đầu tư công, công tác kế hoạch thực hiện dự án, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cần phân biệt 2 nhóm. Thứ nhất, về công tác kế hoạch, so với giai đoạn 2016-2020 và trước nữa, quy trình kế hoạch đã được rút gọn. Cụ thể, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch hằng năm kèm theo thông báo kiểm tra vốn đầu tư công thì các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và gửi lên để tổng hợp kế hoạch. Sau khi trình Quốc hội, được Quốc hội phê duyệt thì Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch. “Điều này cho thấy, công tác kế hoạch cơ bản được cải tiến tốt và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để cải tiến tốt hơn nữa.

Thứ hai, liên quan đến quy trình dự án. Luật Đầu tư công và Luật số 03/2022/QH15 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự tiếp tục phân cấp một cách triệt để và đến nay về cơ bản đối, các dự án trong nước từ nhóm A đến nhóm C là thuộc thẩm quyền của địa phương, Trung ương không có thẩm quyền trong quy trình này. Đối với dự án ODA, chỉ còn các dự án nhóm A, là các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Trung ương, còn dự án B, C là phân cấp cho địa phương.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong báo cáo trước đây và đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nêu các vướng mắc tập trung trong các tiêu chí của 7 lĩnh vực thì quá trình phân cấp còn chưa đồng bộ và chưa đồng đều. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã họp để lắng nghe ý kiến của các địa phương về việc chuyển đổi đổi đất rừng, đất lúa. Theo đó, quy định của pháp luật về bảo vệ rừng là hết sức nghiêm ngặt, chuyển đổi 1m2 rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn là phải trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đây là câu chuyện đối với các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó 41 hợp phần không thể giải ngân được là do các bộ, ngành không phê duyệt thẩm định kết quả nghiên cứu của các hợp phần làm cơ sở để thanh toán, quyết toán vốn. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành liên quan khi làm các hợp phần có các quyết định thẩm định thông qua hợp phần gửi Bộ để tổng hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia để làm cơ sở thanh toán.

Tại Hội nghị, các ý kiến phân tích, báo cáo, thảo luận về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chia sẻ bài học kinh nghiệm, giải pháp hay, cách làm tốt được đưa ra nhằm tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động sau Hội nghị; thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện mục tiêu đề ra./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1324
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)