(MPI) - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023 diễn ra ngày 03/3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng tiếp tục phục hồi, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, cơ bản kiểm soát được lạm phát. Chính phủ, bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc ngay trong và sau Tết Nguyên đán, vừa tập trung xử lý vấn đề phát sinh, vừa khẩn trương cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, thực hiện các giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.
|
Điểm cầu Hội nghị tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Trong tháng, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; lạm phát đã chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường bất động sản tại một số quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp ...
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai công việc được giao; theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc làm; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia ..., kiểm tra, đôn đốc tiến độ tại hiện trường các dự án lớn; đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch; tích cực hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Thị trường xuất khẩu suy giảm; thị trường và doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn; rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng ... đã và đang tác động trực tiếp, rõ nét hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm trong nước. Tăng trưởng kinh tế quý I đối mặt với thách thức rất lớn, tạo sức ép thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm (khoảng 6,5%).
Về một số kết quả kinh tế - xã hội nổi bật tháng 02 và 02 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2023 tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước (tháng 01 tăng 4,89%), bình quân 02 tháng tăng 4,6%; giá cả lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, may mặc ... giảm.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay có xu hướng hạ nhiệt; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước. Thu NSNN 02 tháng ước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. FDI đăng ký mới có tín hiệu tích cực, 02 tháng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 02 ước xuất siêu 2,3 tỷ USD, tính chung 02 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng trong nước, các hoạt động kinh tế trở lại bình thường sau Tết. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng thủy sản tháng 02 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 02 tháng tăng 1,3% nhờ triển vọng tích cực từ các thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02 ước tăng 5,1% so với tháng trước do số ngày làm việc nhiều hơn, người lao động đã quay trở lại làm việc, nhất là tại một số địa phương trọng điểm công nghiệp như Bình Dương (tăng 23,3%), Hải Dương (tăng 13,7%), thành phố Hồ Chí Minh (tăng 12,4%), Đồng Nai (tăng 10,1%), Hà Nội (tăng 9,4%)...
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 02 tháng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%). Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế 02 tháng đầu năm đạt trên 1,8 triệu lượt khách, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước, là tín hiệu rất tích cực cho ngành du lịch năm 2023.
Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ năm 2023; tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Ngay sau Tết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về bất động sản, đầu tư công chuyển đổi số, triển khai các dự án giao thông trọng điểm ... để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được giao; khẩn trương tháo gỡ rào cản, vướng mắc, nhất là về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ rào cản về quy định cho các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng; hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng, triển khai Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân. Tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, đặc biệt là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống người dân, giữ vững ổn định xã hội. Phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại;...
Nguyên nhân của kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng; sự giám sát, đồng hành chặt chẽ của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, khoa học của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập trung triển khai công việc ngay trong và sau Tết Nguyên đán, bám sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp; sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, nhân dân cả nước; đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm, góp phần tích cực hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế có nguyên nhân lớn nhất là do tình hình thế giới rất khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước đang trong quá trình phục hồi, chịu tác động lớn bởi các vấn đề nội tại, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp; năng lực nội tại, khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài hạn chế. Công tác dự báo, đánh giá tình hình gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn, phản ứng chính sách còn chưa kịp thời, phối hợp chưa chặt chẽ, nhất là vấn đề mới. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.
Khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng, cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường và kiểm soát lạm phát tăng cao. Yêu cầu cần có các giải pháp điều hành chủ động, quyết liệt, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan và địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Chương trình hành động của Chính phủ triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị số 03/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán; phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định, an toàn các thị trường tài chính, tiền tệ; phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); thực hiện 03 đột phá chiến lược, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các định hướng lớn.
Theo đó, chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, lao động thu nhập thấp, đối tượng yếu thế.
Chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, tập trung giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Chính sách về giá thận trọng, giữ ổn định, phù hợp giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục...; xác định thời điểm và lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, tránh giật cục, tác động cộng hưởng đến giá hàng hóa, dịch vụ khác. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết, nhất là khi điều chỉnh giá các nhóm hàng ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân như giá điện, nước, y tế...
Các bộ, cơ quan tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu và tác động đến nước ta, chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến nay đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã thông báo toàn bộ số vốn 176.000 tỷ đồng, trong đó đã giao kế hoạch 147.138 tỷ đồng, tương đương 83,6%, đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phân bổ số vốn 14.710 tỷ đồng.
Về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng , bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.
Về tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, về xây dựng cơ chế, chính sách, đến nay đã ban hành 74 văn bản nhưng vẫn còn 02 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa hoàn thành.
Về tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực; thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng quốc tế tiếp tục được cải thiện, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực rà soát, gỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, thành lập và triển khai các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư