1. Nông nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Trong tháng, toàn tỉnh tập trung thu hoạch các loại cây vụ đông, làm đất phục vụ sản xuất vụ xuân, đồng thời bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
a) Trồng trọt
Sản xuất cây hàng năm vụ đông: Theo Kế hoạch vụ đông năm nay, toàn tỉnh thực hiện gieo trồng 6.960 ha. Thời gian qua, nông dân các địa phương đã chủ động chuẩn bị đủ giống, vật tư,... để gieo trồng các loại rau màu vụ đông theo đúng lịch thời vụ, đồng thời áp dụng linh hoạt các biện pháp kỹ thuật làm bầu, trồng xen, trồng gối, làm đất vào sản xuất. Theo tổng hợp sơ bộ từ các huyện, thị xã, thành phố, diện tích gieo trồng cây vụ đông năm 2023 toàn tỉnh đạt 6.905 ha; đạt 99,21% kế hoạch; so với vụ đông năm trước giảm 412 ha (giảm 5,65%).
Sản xuất vụ đông năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng nên dự báo năng suất, sản lượng thu hoạch cây vụ đông năm nay cao hơn năm trước. Đến ngày 19/01/2023, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được 5.690 ha rau màu vụ đông, đạt 82,4% diện tích gieo trồng, trong đó: ngô 1.215 ha; bí các loại 614 ha; hoa cây cảnh 821 ha; khoai tây 72 ha; dược liệu 19 ha; rau các loại 2.949 ha.
Sản xuất vụ xuân: Vụ Xuân năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 25.129 ha lúa đông xuân. Hiện nay, các địa phương đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cày ải; nạo vét thủy lợi nội đồng; chủ động nguồn cung giống lúa, phân bón. Tính đến ngày 19/01/2023, các địa phương làm đất lần 1 được 2.775 ha, đã lấy nước đổ ải đợt 1 (lịch lấy nước đổ ải 2 đợt: đợt 1 từ 06/01/2023 – 09/01/2023; đợt 2 từ 01/02/2023 – 08/02/2023); ngả dược mạ được 259 ha, gieo mạ dược 122 ha.
Sản xuất cây lâu năm: Năm 2022, sơ bộ tổng diện tích hiện có các loại cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 15.754 ha, chủ yếu là cây ăn quả, giảm 0,25%, tương ứng giảm 39,94 ha so với năm 2021. Thời gian qua, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh đã tập trung chăm sóc các loại cây cảnh để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết, toàn tỉnh có hơn 850 ha cây cảnh như: cam, bưởi, quất,... cho thu hoạch dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Ngày 27/01/2023, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã dự lễ phát động Tết trồng cây tại Hưng Yên. Năm 2022, tỉnh Hưng Yên trồng được gần 17.600 cây, tại 70 tuyến đường, đạt 160% kế hoạch. Kế hoạch năm 2023, tỉnh trồng 33.800 cây, tăng 192,05% so với năm trước, trong đó tập trung trồng 5 loại cây chính, gồm: ban Tây Bắc, bàng Đài Loan, osaka, kèn hồng, bằng lăng. Bên cạnh đó, Hưng Yên tiếp tục trồng bổ sung, hoàn chỉnh trên 70 tuyến đường thực hiện năm 2022 và phấn đấu trồng mới khoảng 80 tuyến đường trong năm 2023.
b) Chăn nuôi
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động chăn nuôi thời gian qua là bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Ngành chức năng đã khuyến cáo người chăn nuôi không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Các hộ chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; tạo môi trường thoáng sạch, giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm dinh dưỡng và thường xuyên theo dõi sức khoẻ đàn vật nuôi nhằm kịp thời phát hiện bệnh. Đến nay, đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh phát triển ổn định, không có địa phương nào xuất hiện dịch bệnh.
Tại thời điểm 01/01/2023, tổng đàn lợn của tỉnh ước đạt 505.102 con, tăng 6,15% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 9.401 nghìn con, giảm 0,49% (trong đó: đàn gà đạt 6.428 nghìn con, giảm 0,91%). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 01/2023 ước đạt 8.417 tấn, tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi 3.223 tấn, tăng 5,85% (trong đó: sản lượng thịt gà 2.487 tấn, tăng 2,81%).
c) Nuôi trồng thuỷ sản
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2022 đạt 5.216 ha, giảm 0,44%, tương ứng giảm 23,3 ha so với năm 2021. Tình hình sản xuất thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trong tháng qua cơ bản ổn định và có chiều hướng phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện Đề án phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng phát triển thủy sản trong giai đoạn này là tập trung vào nuôi thủy sản ở ao, hồ, đầm nhỏ; nuôi cá lồng và nuôi thủy sản đặc sản. Một số địa phương đã chủ động chuyển đổi ruộng cấy hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản, trong đó, tập trung ở các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, ... đây là những địa phương có điều kiện thuận lợi về phát triển thủy sản.
2. Sản xuất công nghiệp
Năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm. Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Những thách thức trên đã khiến cho nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống gần mức suy thoái. Tác động của việc tăng lãi suất, xung đột Ukraine và sự chững lại của các nền kinh tế lớn, gây thách thức cho các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Dự báo kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức như: sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp; ...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 năm 2023 giảm so với tháng trước và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày diễn ra trong tháng. Cụ thể:
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một giảm 10,87%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,52%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,93%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,79%. Một số sản phẩm giảm so với tháng trước như: thức ăn cho gia súc giảm 7,59%; thức ăn cho gia cầm giảm 5,69%; quần áo các loại giảm 12,07%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) giảm 6,64%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 29,09%; sản phẩm bằng plastic giảm 17,82%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 25,37%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 19,07%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5W giảm 7,59%;... Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với tháng trước như: rượu Vodka và rượu Cô nhắc tăng 0,75%; gỗ ốp lát công nghiệp tăng 1,05%; sắt, thép các loại tăng 1,64%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 93,24%; dây cách điện đơn bằng đồng tăng 4,79%; điện thương phẩm tăng 0,93%; ...
So với tháng cùng kỳ năm 2022, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Một tăng 2,73%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,76%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,57%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,76%.
Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: thức ăn cho gia cầm tăng 18,49%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc tăng 57,69%; giầy, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 21,45%; gỗ ốp lát công nghiệp tăng 14,29%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 44,44%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 194,12%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 8,65%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 156,41%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 20,86%; sắt, thép các loại tăng 12,53%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia súc giảm 4,96%; quần áo các loại giảm 2,67%; thùng, hộp bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 9,60%; sản phẩm bằng plastic giảm 5,53%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 58,82%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác giảm 16,12%; ...
Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên