(MPI) - Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam diễn ra chiều ngày 29/3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, đây là dự án lớn, quan trọng, hạ tầng mang tính chiến lược của đất nước. Như các quốc gia khác, muốn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, đột phá, bứt phá đều phải có tuyến đường sắt để vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn với tốc độ cao, hiệu quả.
Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng là đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan được được thành lập theo Quyết định số 859/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam (Dự án).
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư Dự án, mặc dù về mặt chiến lược, căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý cũng như hiệu quả, tính cấp thiết của dự án đã rõ nhưng vẫn cần phải khẳng định lại; lựa chọn tốc độ và phương án khai thác; các vấn đề liên quan đến hướng tuyến, số lượng vị trí các nhà ga; khung tiêu chuẩn, mô hình, công nghệ áp dụng; sơ bộ tổng mức, phân kỳ đầu tư; phương án huy động vốn; các giải pháp xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực sản xuất thiết bị công nghiệp phụ trợ, làm cơ sở phát triển ngành đường sắt trong nước.Các ý kiến phải trách nhiệm, khách quan, xác đáng để Hội đồng đưa ra quyết định và triển khai các công việc tiếp theo, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đã trình bày tóm tắt nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; đại diện liên danh tư vấn thẩm tra trình bày kết quả thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Báo cáo tập trung vào các nội dung như phân tích lựa chọn cấp tốc độ thiết kế, khai thác phù hợp cho Dự án; Phân tích lựa chọn khung tiêu chuẩn kỹ thuật cho dự án; Đề xuất mô hình lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (mô hình TOD) thành nội lực quan trọng của Dự án; Đề xuất lựa chọn hướng tuyến; Tính toán tổng mức đầu tư và các phương án huy động vốn; Phân tích hiệu quả kinh tế - tài chính; Đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện, hình thức quản lý dự án; Đề xuất mô hình phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có bảng so sánh cụ thể giữa hai báo cáo để thuận tiện trong việc xem xét, đánh giá; nêu rõ tính khả thi đối với từng phương án được đề xuất và khả năng thu hút nhà đầu tư; cần xem tính khả thi, các điều kiện cụ thể, đưa ra căn cứ, luận cứ, cơ chế thu hút nhà đầu tư, khả năng thu hồi vốn. Đồng thời nhấn mạnh thêm các vấn đề liên quan đến tốc độ chạy tàu và vận tải hàng hóa; về hướng tuyến và vị trí các nhà ga; cơ sở đưa ra phân kỳ đầu tư phải rõ, tính toán cụ thể và đưa ra lý lẽ thuyết phục; tỷ lệ nội địa hóa; các mô hình đầu tư, quản lý dự án;…
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Tham gia thảo luận, các đại biểu tham dự cuộc họp đã cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Đại diện các địa phương như Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… đã thông tin về những nội dung liên quan đến hạ tầng, dịch vụ, dân cư nơi có hướng tuyến đi qua và khẳng định cam kết trong việc triển khai dự án, vì lợi ích chung của quốc gia.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án có tính chiến lược rất quan trọng của Việt Nam, có tính khả thi cao với lợi ích lâu dài cho người dân của 20 tỉnh/ thành phố với quy mô siêu liên kết vùng trên trục hành lang kinh tế Bắc - Nam. Dự án sẽ hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền là trục động lực phát triển nhảy vọt mới cho các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, giúp tăng trưởng đồng đều giữa các vùng miền.
Trong khi đó, hiện nay, năng lực vận tải của hệ thống giao thông, đặc biệt là trên trục Bắc - Nam đang có sự mất cân đối lớn cùng với vận tải đường bộ chiếm ưu thế đang làm phát sinh các hệ lụy đối với nền kinh tế, xã hội như gây ra ùn tắc, nguy cơ tai nạn, ô nhiễm môi trường dẫn đến sự tiêu hao lớn về nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa và của nền kinh tế. Do đó, việc đầu tư tuyết đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là có cơ sở và rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ; việc đáp ứng các tiêu chí xác định là dự án quan trọng quốc gia; sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật PPP; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; dự kiến quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác; việc phân tích lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng;…
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự phối hợp của các địa phương có liên quan đến Dự án trong công tác phối hợp triển khai; đề nghị cơ quan trường trực của Hội đồng thẩm định tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch cụ thể trong thời gian tới, phù hợp với chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Đây là dự án lớn, tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động, việc làm nên cần đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng.
Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng Chính phủ, các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng, đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung thêm các nội dung về sự cần thiết đầu tư dự án. Dự án cần phải được đầu tư để chở cả hành khách và hàng hóa, xứng đáng với trọng trách là trục xương sống của hàng lang kinh tế Bắc - Nam, đáp ứng kỳ vọng hình thành trục vận tải khối lượng lớn kết nối với các trung tâm kinh tế tạo thành trục động lực phát triển mới cho kinh tế -xã hội của đất nước và các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, giúp tăng trưởng đồng đều giữa các vùng miền, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; khắc phục sự mất cân đối của hệ thống giao thông vận tải trên trục Bắc - Nam, tạo tuyến đường sắt mới tốc độ cao với vai trò chủ đạo là chuyên vận tải hành khách, hàng hóa kết nối với khu vực, tạo tính lan tỏa, phát huy hiệu quả trong xã hội. Về phương án đầu tư, đề nghị tiếp thu theo ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ ngày 06/10/2022; tiếp thu ý kiến hoàn thiện hướng tuyến, tốc độ, kỹ thuật, công nghệ.
Về số vốn nhà nước tham gia dự án, thời gian triển khai dài, để triển khai dự án cần có chế đặc thù riêng. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xây dựng cơ chế đặc biệt của Dự án báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định; Nghiên cứu mô hình thực hiện dự án, phương án huy động vốn; rà soát, cập nhật số liệu theo các ý kiến góp ý, hoàn thiện các bước tiếp theo theo quy định.
Theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát huy lợi thế trên các hành lang kinh tế chiến lược, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư