(MPI) – Ngày 19/4/2023, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo và Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự phiên họp.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại điểm cầu các địa phương.
Năm 2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số cải cách hành chính mới (theo Quyết định số 289/QĐ-BNV ngày 14/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Chỉ số CCHC mới được ban hành bao gồm 02 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp bộ và cấp tỉnh, cụ thể: Chỉ số CCHC cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ 2 và 02 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 31.50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần.
Kết quả chỉ số CCHC năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ có 03 nhóm: Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 02 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp. Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 11 đơn vị, bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương. Chỉ số CCHC dưới 80% có 04 đơn vị là: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao.
Kết quả đánh giá năm 2022 cho thấy, có 03/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2021, đó là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Có 14/17 có giá trị PAR INDEX năm 2022 giảm so với năm 2021, trong đó, Bộ Ngoại giao có giá trị giảm nhiều nhất (-15.35%).
Trong 11 năm qua, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai các Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Thông qua Chỉ số CCHC, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo. Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số cải cách hành chính là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Chỉ số cải cách hành chính cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư