Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/05/2023-12:24:00 PM
Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc tại Hoa Kỳ về kinh nghiệm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa giữa hai nước từ 15-19/5/2023
(MPI) - Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2795/VPCP-QHQT ngày 22/4/2023 của Văn phòng Chính phủ và thực hiện Quyết định số 644/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông, Trưởng Đoàn công tác cùng với lãnh đạo 04 địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Lào Cai) đã làm việc với 19 đối tác, bao gồm: Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Cơ quan phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính quyền thành phố New York và Washington D.C, các cơ quan hỗ trợ phát triển và tổ chức tài chính quốc tế, một số trường đại học, một số tập đoàn quốc tế hàng đầu về công nghệ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa kỳ về kinh nghiệm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như tìm hiểu các xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, năng lượng mới và các ngành công nghệ số, công nghệ cao...

Bên cạnh việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đoàn công tác đã trao đổi các nội dung nhằm kết nối, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, cũng như thu hút các nguồn tài chính, đầu tư vào các lĩnh vực ESG và phát triển bền vững.

Làm việc với các Bộ và chính quyền thành phố

Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với Văn phòng Phó Thị trưởng Washington phụ trách Quy hoạch và Phát triển Kinh tế. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Trần Duy Đông và đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan bao gồm: Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ (SBA), Văn phòng Phó Thị trưởng Washington phụ trách Quy hoạch và Phát triển Kinh tế, Văn phòng Thị trưởng Thành phố New York phụ trách các Vấn đề quốc tế (MOIA), Cơ quan Quy hoạch và Phát triển Kinh tế Thành phố New York (NYCEDC).

Tại các buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các chính sách phát triển kinh tế, với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Về chính sách hỗ trợ cho DNNVV, hai nước có nhiều chính sách hỗ trợ tương đồng như các chương trình hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ xuất khẩu, tiếp cận vốn, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo…, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để doanh nghiệp có thể phục hồi sau tác động của đại dịch Covid.

Các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp của Hoa Kỳ hỗ trợ cho các DNNVV thông qua hệ thống trung tâm hỗ trợ trên khắp cả nước hỗ trợ, tư vấn và đồng hành cùng các doanh nghiệp có nhu cầu (Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ (SBA) có trên 900 trung tâm hỗ trợ DNNVV, Bộ Thương mại có trên 100 trung tâm hỗ trợ thương mại…). Các chương trình hỗ trợ trên toàn nước Mỹ được điều phối giữa các cơ quan để đảm bảo không chồng chéo. Phía Hoa Kỳ cũng chia sẽ các kinh nghiệm hỗ trợ DNNVV hiệu quả thông qua việc khai thác các tài sản công cho DNNVV sử dụng, bảo lãnh các khoản vay cho DNNVV của cơ quan hỗ trợ DNNVV…

Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ (SBA). Ảnh: MPI

Trong chương trình làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như thủ tục đăng ký thành lập nhanh gọn, các quy định về đầu tư minh bạch, các chương trình hỗ trợ phù hợp với doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định 80/2021/NĐ-CP như đào tạo, tư vấn viên, chuyển đổi số… Phía Hoa Kỳ đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua cũng như rất ấn tượng với các chương trình hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam và mong muốn có thể tiếp tục làm việc, trao đổi để nghiên cứu về các chính sách này.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ, báo cáo đối với các cơ quan cấp cao của Mỹ thúc đẩy việc đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.

Làm việc với các cơ quan phát triển và tổ chức tài chính lớn

Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với IFC. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Trần Duy Đông và đoàn công tác cũng làm việc với các tổ chức phát triển cũng như các tổ chức tài chính lớn như: USAID, DFC, IFC, JP Morgan, NY Green Bank.

Trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của các tổ chức này, Thứ trưởng Trần Duy Đông đã trao đổi về định hướng và sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đến việc phát triển khu vực tư nhân. Thông qua đó, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho khu vực này và đảm bảo các cam kết giữa Chính phủ hai bên trong việc hỗ trợ cho khu vực tư nhân, đặc biệt là với DNNVV.

Đối với các tổ chức tài chính lớn của Hoa Kỳ, Thứ trưởng đã trao đổi các thông tin về chính sách và cam kết sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với dự án đầu tư hướng tới phát triển xanh, bền vững và ESG. Qua đó, Việt Nam cũng thể hiện rõ định hướng chỉ thu hút các dự án, nguồn đầu tư theo xu hướng chung này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh và các lĩnh vực năng lượng tái tạo mới. Thứ trưởng cũng chú trọng vào việc thu hút các tổ chức này có các nguồn vốn, nguồn tài trợ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững cũng như mong muốn chia sẻ các thông lệ quốc tế tốt về ESG để doanh nghiệp Việt Nam sớm có cơ hội tiếp cận. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng thông tin về việc Quy hoạch điện VIII mới được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và khuyến khích các tổ chức này tham gia đầu tư các dự án điện của Việt Nam cũng như huy động thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân, nguồn vốn hợp pháp khác cùng tham gia đầu tư trong thời gian tới.

Làm việc với các quỹ đầu tư, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của một số trường Đại học

Thứ trưởng và đoàn công tác cũng làm việc và trao đổi với các Trường Đại học hàng đầu của Mỹ (như Đại học Columbia, Đại học Fordham) và New York Venture Partners về công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Việc hỗ trợ khởi nghiệp của các đơn vị này khá đa dạng: đối tượng tham gia có thể là học sinh cấp 3 hoặc đã tốt nghiệp ra trường, các đối tượng tham gia có thể nhận được hỗ trợ từ các quỹ khởi nghiệp hoặc từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của trường, liên trường hoặc chính quyền thành phố.

Các trường đều chú trọng đến việc xây dựng mạng lưới để có thể hỗ trợ tốt hơn đối với các nhu cầu của những người khởi nghiệp. Qua đó, tạo được một môi trường, hệ sinh thái rất tốt cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm, nghiên cứu và kết nối chính các sinh viên có ý tưởng kinh doanh với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để giúp họ thành công.

Làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn

Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với SpaceX. Ảnh: MPI

Các tập đoàn lớn như IBM, Google, Dell, SpaceX đã đề nghị với Thứ trưởng Trần Duy Đông được làm việc với Đoàn công tác khi nhận được thông tin về chương trình của Đoàn đi nghiên cứu, học tập tại Hoa Kỳ.

Tại các buổi làm việc, các tập đoàn đều đánh giá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đặc biệt các tập đoàn này đều xác định Việt Nam là địa điểm đầu tư chiến lược và mong muốn đầu tư hoặc tiếp tục mở rộng đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các tập đoàn cũng rất mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ đối với các hoạt động tại Việt Nam của các công ty này như thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các dự án, chương trình và hoạt động của các công ty này ở Việt Nam. Thứ trưởng cũng nhận định đây là các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ của thế giới, các lĩnh vực đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Đối với các cơ hội hợp tác đầu tư trong thời gian tới đối với các lĩnh vực như bán dẫn, bo mạch chủ, internet, Thứ trưởng khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, cũng như sẽ tham mưu cho Chính phủ để đảm bảo các điều kiện hấp dẫn về chính sách, hạ tầng để hỗ trợ các dự án triển khai thành công./.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2108
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)