Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/05/2023-14:03:00 PM
Cuộc họp lần thứ 3 Tiểu ban phát triển bền vững trong khuôn khổ Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (Xem tin ảnh)
(MPI) - Trong khuôn khổ Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, ngày 24/5/2023 đã diễn ra cuộc họp lần thứ 3 Tiểu ban phát triển bền vững dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và Giám đốc phụ trách vùng Nam và Đông Nam Á, Phái đoàn Liên minh châu Âu Mario Ronconi.

Tham dự cuộc họp có Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti; đại diện các quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu cùng đại diện các bộ, ngành liên quan của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, trong hơn một năm qua, kinh tế thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Trong hơn một năm gần đây, Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nổi bật là việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định các thị trường và bước vào giai đoạn chủ động thích ứng với bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu mới tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, phát triển các thị trường, khơi thông nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Năm 2023 đánh dấu nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs và các quốc gia trên thế giới sẽ cùng đánh giá, nhìn nhận lại chặng đường đã qua và đưa ra các cam kết, biện pháp, hành động quyết liệt hơn hướng tới SDGs vào năm 2030, đặc biệt sau tác động nặng nề do dịch COVID-19 cùng với việc hầu hết các mục tiêu SDGs chưa được thực hiện đúng tiến độ.

Do vậy, cuộc họp lần thứ 3 của Tiểu ban sẽ có ý nghĩa quan trọng, tập trung trao đổi, thảo luận để có thể đưa ra các biện pháp, hành động chung một cách hiệu quả, thiết thực hơn nữa để đóng góp cho sự thành công chung của Tiểu ban, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Trong thời gian qua, mối quan hệ Việt Nam - EU phát triển tích cực và toàn diện, EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác phát triển, thương mại và đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, nông nghiệp, y tế, du lịch, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

EU là một trong những nhóm nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam với mối quan hệ sâu rộng, được thể hiện qua Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA); Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và sắp tới là Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) và các hiệp định hợp tác khác. Đặc biệt, EVFTA là động lực quan trọng giúp thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng và EU đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam. Tới đây, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên còn nhiều dư địa để khai thác sau khi Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn, bên cạnh cập nhật tình hình và tái khẳng định cam kết hợp tác trong các lĩnh vực, hai bên cần cùng nhau xác định và đưa ra định hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong việc hài hòa hóa thủ tục, chính sách giữa hai bên để tận dụng tối đa nguồn lực hợp tác phát triển.

Qua đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong việc thực hiện hiệu quả Hiệp định khung hợp tác, đối tác toàn diện Việt Nam - EU, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình phục hồi, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, tăng trưởng xanh, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho rằng, cuộc họp có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa tiềm năng trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam - EU; đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 cũng như những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; tin tưởng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững cùng hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu của SDGs.

Đây cũng là dịp để hai bên cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, đưa ra những kế hoạch ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt là các hoạt động thực hiện khung tài chính đa năng giai đoạn 2021-2027 với các lĩnh vực ưu tiên như thỏa thuận xanh, tăng trưởng bền vững, việc làm, công nghệ, quản trị, con người…; những định hướng từ chương trình nghị sự 2030 nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti. Ảnh: MPI

Trình bày về tình hình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, hoạt động đề ra tại Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; ban hành Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh các cấp và tích hợp tăng trưởng xanh vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp. Bộ cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tích hợp các mục tiêu cam kết tại COP26 vào các hoạt động, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Trong thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ông Lê Việt Anh cho rằng, trên cơ sở thế mạnh, kinh nghiệm và khung hợp tác Việt Nam - EU, EU có thể hỗ trợ Việt Nam trong các nội dung như cần tiếp tục hỗ trợ và phối hợp huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh; tiếp cận các quỹ, nguồn tài chính công và tư của EU và quốc tế cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; Hỗ trợ Việt Nam xây dựng các Quỹ phục vụ cho tăng trưởng xanh; Phối hợp nghiên cứu, xây dựng các gói kích thích, giải pháp và kết nối doanh nghiệp thúc đẩy các dự án đầu tư, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh bao trùm.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, hai bên tập trung trao đổi, thảo luận và cập nhật về các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển bền vững như tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng bền vững, kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, các nội dung liên quan đến hợp tác, đầu tư giữa hai bên... Theo đó, phía EU đã trình bày Khung chính sách quan trọng của EU về Phát triển bền vững nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan và thông tin chính về Khung hợp tác của EU, có ảnh hưởng đến hợp tác Việt Nam - EU; Khung chính sách quan trọng của EU về Phát triển bền vững (Global Gateway); Tiến độ thực hiện Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2021-2027 và những thách thức; hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này; đổi mới sáng tạo, giáo dục, y tế, du lịch, chuyển đổi số; Rà soát tình hình triển khai hợp tác Việt Nam - EU liên quan đến phát triển bền vững, qua đó, cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình triển khai hợp tác Việt Nam - EU kể từ cuộc họp lần thứ hai, đánh giá những thành tựu chính, thách thức, cơ hội và các bước hành động cụ thể trong thời gian tới.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã có những phản hồi cụ thể, đồng thời trình bày các nội dung về kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; Giảm thiểu và thích ứng với môi trường, biến đổi khí hậu, bao gồm chuyển đổi năng lượng; quy hoạch điện VIII; lĩnh vực lâm nghiệp; Tăng cường quản trị kinh tế tại Việt Nam.

Đại diện các bộ, ngành đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của EU đối với Việt Nam nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đồng thời mong muốn EU hỗ trợ trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia và các ngành, lĩnh vực cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành nghề và quy trình; công cụ hỗ trợ thẩm định để đánh giá, lựa chọn, phân loại ưu tiên và huy động nguồn lực cho các dự án, công nghệ tăng trưởng xanh trọng điểm; Xây dựng, thí điểm và nhân rộng cơ chế phát triển bền vững cho các dự án tăng trưởng xanh để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu; Hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá tác động, đề ra cơ chế quản lý và các giải pháp tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro từ cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU; Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong các ngành, lĩnh vực xanh, đặc biệt là năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp.

Ông Mario Ronconi phát biểu. Ảnh: MPI

Giám đốc phụ trách vùng Nam và Đông Nam Á, Phái đoàn Liên minh châu Âu Mario Ronconi cho rằng, các chỉ số về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, sử dụng nguồn lực và công cụ đầu tư, tài chính cũng như một số nội dung chung khác như tài chính xanh, phân loại xanh không chỉ phản ánh mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai bên mà mong muốn tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác theo cấp độ khu vực. EU đã thiết lập cơ chế hợp tác với ASEAN và Việt Nam là thành tố quan trọng.

Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với những mục tiêu rất rõ ràng; Chiến lược, kế hoạch tăng trưởng xanh đưa mục tiêu nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. EU mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điều này có mối tương quan mật thiết với biến đổi khí hậu, sử dụng đất đai, tỷ lệ bao phủ rừng; thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Các nội dung được tập trung thảo luận thể hiện tinh thần hợp tác mạnh mẽ giữa hai bên, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến kinh tế, xã hội và lĩnh vực tiềm năng như số hóa, tăng trưởng xanh. Hai bên có nhiều tiềm năng thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới để huy động nguồn lực triển khai, mang lại lợi ích rõ ràng;hy vọng hai bên sớm hoàn thành một số hiệp định hiện đang trong quá trình đàm phán; tái khẳng định mong muốn hợp tác cùng Việt Nam cũng như các bộ, ngành, qua đó cùng nhau đạt được các chương trình, mục tiêu đề ra, ông Mario Ronconi nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Đại sứ Giorgio Aliberti, ông Mario Ronconi và các đại biểu tham dự Cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao các nội dung được chia sẻ, thảo luận tại cuộc họp. Hai bên đã cùng thảo luận, trao đổi, đồng thuận một số nội dung và cùng nhau xác định những khó khăn, vướng mắc, để từ đó đưa ra giải pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả hợp tác, hiệu quả triển khai các chương trình, dự án, tái khẳng định cam kết của hai bên trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, năng lượng, du lịch, tăng trưởng xanh với mục tiêu cùng đồng hành hướng tới phát triển bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì Tiểu ban phía Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các nội dung, tham mưu cho Chính phủ trong việc thực hiện hiệu quả các nội dung trong khuôn khổ Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, kết quả cuộc họp sẽ đóng góp quan trọng cho cả Việt Nam và EU khi hai bên sẽ cùng trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào tháng 7/2023 tới đây tại Diễn đàn chính trị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1173
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)