(MPI) – Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Thời gian qua, thu hút đầu tư nước ngoài đã có thành tựu lớn, đưa đầu tư nước ngoài trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để phát huy, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược.
Năm 2021 và 2022, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhất là về vốn giải ngân, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế trong nước có những thuận lợi nhưng cũng tồn tại những khó khăn, thách thức đan xen. Công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài còn có bất cập, có nơi còn thiếu thống nhất, gắn kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư; một số nơi còn có biểu hiện cục bộ, gây khó khăn hoặc chưa chú trọng đến việc thẩm tra, xem xét các tiêu chí về công nghệ, môi trường, lao động; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư còn thiếu chặt chẽ trong phối hợp giữa các Bộ, ngành, các cấp. Môi trường kinh doanh chưa có ưu việt đáng kể so với mặt bằng cạnh tranh thu hút đầu tư trên thế giới và tại khu vực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư, mặt bằng sạch còn thiếu và chi phí sản xuất, kinh doanh đang bị đẩy lên cao, nguồn lao động đã qua đào tạo còn yếu và thiếu... Sự liên kết giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa có liên kết về lợi ích cơ bản và bền vững.
Trước tình hình nêu trên và để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Chuẩn bị các điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy nhanh việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp để định hướng, sắp xếp, tổ chức về mặt không gian, tạo cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và bảo đảm khả thi, phù hợp với năng lực thực hiện của cơ quan được phân cấp; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư – kinh doanh. Kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chi phí tuân thủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế, không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư mới, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các tiêu chí, điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất và tiêu chí về số lao động sử dụng theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, làm cơ sở cho việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và theo dõi, kiểm tra, giám sát. Chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những khó khăn hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp do khâu thực thi.
Đối với những dự án quan trọng, có tính lan tỏa, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp các Bộ ngành xây dựng phương án ưu đãi, hỗ trợ để trao đổi với nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật hiện hành và tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Rà soát, xây dựng, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào địa bàn phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của địa phương. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp, hiệu quả với tình hình mới. Định hình không gian sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến định hướng của nhà đầu tư, hỗ trợ các địa phương có sự liên kết để giúp cho các dự án đầu tư có hiệu quả.
Quy hoạch các vùng sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững bảo vệ môi trường, gắn khu công nghiệp liên kết với khu đô thị, khu nhà ở chuyên gia và các điều kiện môi trường sống an toàn, lành mạnh. Hình thành các khu vực sản xuất công nghiệp chuyên sâu góp phần phát triển kinh tế quy mô hướng tới sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa bền vững.
Kết hợp các công nghệ số mới như công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường để xây dựng bản đồ số về các khu công nghiệp và cụm công nghiệp gắn với mô tả hiện trạng sản xuất để hỗ trợ các nhà ĐTNN có hình dung toàn cảnh và xác định được địa điểm đầu tư phù hợp tại Việt Nam.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài
Các Bộ, ngành rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư để tổng hợp, kịp thời hướng dẫn xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định giải quyết vướng mắc. Cắt giảm triệt để thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho nhà đầu tư và người dân. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các Điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư nhằm phù hợp tiêu chuẩn mới, bảo đảm thẩm quyền quản lý của Nhà nước và chính sách công; hạn chế khả năng việc nhà đầu tư lạm dụng, lợi dụng cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư. Rà soát, đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh để tránh hiện tượng chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền chính sách, hướng dẫn kỹ lưỡng để các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư hiểu, áp dụng đúng các quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ. Xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực tới nhà đầu tư.
Cải cách thủ tục hành chính, áp dụng số hóa các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh góp phần xây dựng Chính phủ điện tử theo các Nghị quyết của Chính phủ. Phối hợp thẩm định và đánh giá cẩn trọng về công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, môi trường, suất đầu tư … đối với các dự án ĐTNN trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ tại Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế. Tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, chân thành, thực chất, hiệu quả với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng thuộc khu kinh tế. Thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến tiếp nhận hồ sơ; cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đầu tư; thực hiện chế độ báo cáo đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, chế độ báo cáo trên Hệ thống.
Thực hiện việc xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Thông báo góp vốn, mua cổ phần theo đúng danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà ĐTNN. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế, ... trong quá trình thẩm định và quản lý các dự án ĐTNN, tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp trong nước và quốc tế.
Tổ chức thẩm định và đánh giá cẩn trọng về công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, môi trường, suất đầu tư, ... đối với các dự án ĐTNN trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ tại Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế. Tổ chức thẩm định và thực hiện đầy đủ các quy định về rà soát yếu tố bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với các dự án ĐTNN thực hiện tại địa bàn biên giới, hải đảo, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.
Rà soát, sửa đổi quy trình, thủ tục nội bộ liên quan đến thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan nhưng không gây phiền hà, tăng chi phí của nhà đầu tư. Chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các dự án có vốn ĐTNN trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, theo thẩm quyền phải xử lý ngay, cũng như đề xuất sửa đổi luật pháp, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Hàng năm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì ít nhất 02 cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, thành phố, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và xử lý ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý.
Ủy nhân dân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Định kỳ đánh giá tình hình hoạt động của các dự án ĐTNN trên địa bàn để kịp thời phát hiện các trường hợp nhà đầu tư lợi dụng sự thông thoáng của hệ thống pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai và không thực hiện đúng cam kết, đúng quy định. Áp dụng các quy định của pháp luật để chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án trên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan đăng ký đầu tư trong việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư tại các địa phương.
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư
Tổ chức xúc tiến theo Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/11/2021. Xây dựng và công bố kịp thời danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương. Chủ động tiếp cận, trao đổi với các Tập đoàn lớn về các gói ưu đãi, cơ chế hỗ trợ đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động tìm kiếm, chọn lọc, tiếp cận, trao đổi, quảng bá cơ hội, vận động các Tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào Việt Nam, hoặc thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến người ra quyết định đầu tư để thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về việc xây dựng các gói ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (hỗ trợ tiền mặt - cash grant, đào tạo lao động, hỗ trợ phát triển hạ tầng, biện pháp ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu…), các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung luật pháp, chính sách có tính cạnh tranh hơn nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có tính động lực, lan tỏa trong làn sóng đầu tư mới.
Tăng cường nắm bắt các xu hướng đầu tư quốc tế, xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng; các tác động đối với Việt Nam để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh; đồng thời, tham mưu các chủ trương phù hợp với sáng kiến, khuôn khổ luật lệ mới nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao trong tình hình mới, đặc biệt là các lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển như công nghệ số, bán dẫn, vi mạch, lắp ráp sản xuất phần cứng điện tử, sản xuất phần mềm. Xây dựng bộ tài liệu quảng bá, xúc tiến đầu tư theo địa phương và lĩnh vực quản lý; đẩy mạnh tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về hợp tác đầu tư nhằm đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị này./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư