Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/06/2023-14:36:00 PM
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kế hoạch năm 2023
(MPI) - Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, tiếp thu và tiếp tục bám sát các mục tiêu theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội để cụ thể hóa bằng các giải pháp cụ thể và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tích cực, chủ động, kịp thời, linh hoạt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trong các lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kế hoạch năm 2023. Đây là nội dung phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra ngày 08/6/2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình, có ý kiến, tâm huyết sâu sắc, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ, nội dung báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và hầu hết ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ, hội trường đều đánh giá cao những thành quả trong việc kiểm soát dịch COVID-19, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn cũng như các chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước thẳng thắn đề cập đến những tồn tại, hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ trân trọng lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để tập trung khắc phục, giải quyết hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2033 đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khá cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023. Trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi nhanh.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95 nghìn doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, đúng như tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục giảm; sức mua của nhiều thị trường lớn, truyền thống suy giảm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực của nước ta; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường khoảng 88 nghìn doanh nghiệp; thiếu điện cục bộ ở các địa phương miền Bắc; việc thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác quy hoạch còn chậm; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn;…

Về điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nhất là các quy định đang là rào cản đối với sản xuất kinh doanh (đến năm 2025 giảm ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ); yêu cầu thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, thẩm định, thẩm tra quy định về TTHC. Tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC và tái cấu trúc quy trình cung cấp dịch vụ công. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ (đến năm 2025 giảm tối thiểu 20%). Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Về tăng năng suất lao động xã hội, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng năng suất lao động, trong đó tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chú trọng phát triển kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng số, thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; Khẩn trương hoàn thiện các chính sách, pháp luật; tạo lập khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh doanh mới và các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển khoa học công nghệ.

Về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; trong đó trình cấp có thẩm quyền xem xét việc mở rộng thí điểm tách giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập; tăng thẩm quyền cho địa phương trong đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng... Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đề xuất hoặc chủ động ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở.

Ảnh: quochoi.vn

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, tình hình trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội và Nhân dân giao phó.

Về việc chậm phân bổ đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 22,2%, tương đương mức giải ngân vốn đầu tư năm 2022 cùng kỳ. Qua tương quan so sánh với 5 tháng đầu năm của những năm trước, mức giải ngân này không phải là chậm so với các năm, mà đang chậm so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế để làm động lực cho sự tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, các địa phương cần thúc đẩy nhiều hơn nữa. Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần tích cực giải phóng mặt bằng, cải thiện trình tự thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực nhà đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để đạt được đồng thuận trong giải phóng mặt bằng.

Về thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tháng 6/2021 nhóm G7 đã đạt được thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%. Tính đến tháng 7/2021 các nước G20 đã thống nhất mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Cuối năm 2022, 138 nước đã thống nhất về khung thuế. Về nguyên tắc, đây là thỏa thuận hợp tác quốc tế hội nhập, không bắt buộc, tuy nhiên các nước đã tham gia và đã nội luật hóa, có hiệu lực thi hành trong năm 2024. Về vấn đề này, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm, đã có nhiều diễn đàn có chỉ đạo về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động để đề xuất. Tổ công tác vừa báo cáo, Thường trực Chính phủ đã họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá tác động, Chính phủ sẽ trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới nhằm bảo đảm được quyền, nghĩa vụ hợp pháp của các nhà đầu tư, lợi ích của quốc gia.

Về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định đây là một trong những công tác hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhiệm kỳ vừa qua và hiện nay, công tác cổ phần hóa thực hiện không đạt yêu cầu như kế hoạch đề ra.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri và Nhân dân cả nước; tiếp tục phát huy tích cực tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” của các vị đại biểu Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, trưởng ngành.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp lần này, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng một số Bộ liên quan đã tham gia trả lời giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến 04 nhóm vấn đề chất vấn về lao động, thương binh và xã hội, dân tộc, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 345
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)