(MPI) - Tại Hội nghị Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cơ hội – Thách thức và giải pháp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND Tỉnh Ninh Thuận tổ chức ngày 21/04/2022 vừa qua. Ông Đỗ Hoàng Hải đã có phần chia sẻ về “05 yếu tố thành công cho Chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp”. Phần trình bày đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và các diễn giả có mặt tại Hội thảo.
Theo ông Hải, Chuyển đổi số không đơn thuần là cơ hội, đó còn là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không những vẫn phải tổ chức hoạt động hiệu quả mà còn phải đầu tư cả tài chính, nhân lực, thời gian để thực hiện quá trình dịch chuyển đầy rủi ro. Vậy đâu là những yếu tố quan trọng dẫn dắt tới sự thành công trong chiến lược chuyển đổi số?
1. Tầm nhìn:
Mỗi sự dịch chuyển đều khiến cho doanh nghiệp thay đổi về hướng đi, hoạt động kinh Doanh hay cách thức vận hành, tổ chức doanh nghiệp. Động lực nào khiến cho doanh nghiệp điều chỉnh, dịch chuyển, thay đổi? Chắc chắn đó phải là một tầm nhìn chiến lược. Để có thể chuyển đổi số thành công, người lãnh đạo trước tiên phải có một tầm nhìn mới, tầm nhìn càng xa, càng rõ ràng thì quyết tâm càng lớn, càng dễ thành công hơn. Israel là đất nước trên sa mạc nhưng tầm nhìn về nông nghiệp công nghệ cao đã giúp họ vươn lên từ nhập siêu trở thành xuất siêu và mang lại Doanh thu nhiều tỷ USD, năng suất lao động lên tới 300.000 USD/người/năm. Họ đã nhìn thấy tầm nhìn của nông nghiệp công nghệ cao với hiệu suất canh tác và mức tiêu thụ nước rất thấp và mạnh dạn đầu tư công nghệ, cải tạo tự nhiên để biến các sa mạc thành những nông trại trù phú.
2. Con người và Văn hóa:
Trong bất cứ hoạt động nào, con người luôn là trung tâm. Trong chiến lược chuyển đổi số thì con người lại càng đóng vai trò then chốt. Việc áp dụng công nghệ đòi hỏi những con người có am hiểu, có tầm nhìn, có tài năng vận dụng công nghệ như là một nguồn lực khổng lồ để dịch chuyển, nâng tầm của cả cỗ máy doanh nghiệp. Để thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng trong việc vận dụng, áp dụng công nghệ ấy, doanh nghiệp cũng cần khơi dậy một văn hóa đổi mới, sáng tạo để cả bộ máy vào cuộc thì công cuộc chuyển đổi số mới có thể thành công.
|
Ông Đỗ Hoàng Hải - Chuyên gia chương trình |
3. Mục tiêu và lộ trình cụ thể
Chuyển đổi số là một quá trình dài mà đích đến có thể cách xa đến 5 năm, 7 năm thậm chí 10 năm hoặc lâu hơn, tạo ra nhiều giá trị mới nhưng cũng tiêu tốn không ít nguồn lực. Có rất nhiều hướng đi cho chuyển đổi số và doanh nghiệp cần đánh giá để có các ưu tiên, cũng như có mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng và một lộ trình bài bản trên hành trình đó với hàng chục Chương trình, dự án khác nhau.
4. Am hiểu và khai thác triệt để sức mạnh của công nghệ
Nói đến chuyển đổi số là nói đến công nghệ số, nhưng công nghệ số thì rất đa dạng và thay đổi không ngừng. Vấn đề đôi khi không phải là lựa chọn công nghệ tốt nhất mà vấn đề là lựa chọn công nghệ phù hợp nhất và khai thác một cách triệt để năng lực của công nghệ đó mang lại giá trị thực tế cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có đặc thù lĩnh vực riêng, có qui mô khác nhau, có chất lượng đội ngũ khác nhau. Những công nghệ tốt nhất đôi khi đòi hỏi rất nhiều từ chính doanh nghiệp để khai thác hết các khả năng của công nghệ ấy và không phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Vì thế, am hiểu và khai thác triệt để là điều rất quan trọng, tránh lãng phí và đảm bảo sự thành công của dự án.
5. Quản trị sự thay đổi
Chuyển đổi số sẽ dẫn tới các thay đổi, từ thay đổi thói quen làm việc, phương thức làm việc, nhiệm vụ của từng nhân viên tới thay đổi về quản trị, ra quyết định, về sản phẩm, dịch vụ, thị trường, khách hàng, v.v. Điều đó dẫn tới việc doanh nghiệp phải quản trị thật tốt, tránh để các sự thay đổi dẫn tới bất lợi thậm chí phản tác dụng cho các mục tiêu đề ra. Truyền thông nội bộ thật rõ ràng và đảm bảo rằng những thay đổi mang lại những giá trị, tương lai cho không chỉ doanh nghiệp mà cả người lao động là yếu tố then chốt, quan trọng giúp doanh nghiệp triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số.
Tóm lại, ngoài 05 yếu tố kể trên, để Chuyển đổi số thành công đòi hỏi người lãnh đạo không những am hiểu về công nghệ, về những cơ hội mới, hiểu về áp lực cạnh tranh từ nhiều phía, tiềm ẩn mà còn phải dẫn dắt sự thay đổi mà đôi khi có rất nhiều sự phản kháng từ trong nội tại doanh nghiệp.