(MPI) - Để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Thông báo số 227/TB-VPCP về kết luận cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động, tích cực thực hiện các nội dung đã được phân công tại Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Quy chế làm việc Ban Chỉ đạo, chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình làm việc cụ thể giữa hai kỳ họp Ban Chỉ đạo làm cơ sở theo dõi, đánh giá hiệu quả việc triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch).
Khẩn trương rà soát, cập nhật Chiến lược TTX cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới (cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng JETP, Quy hoạch điện VIII, xu thế mạnh mẽ của chuyển đổi số…) bảo đảm vai trò xuyên suốt, khâu nối của Chiến lược TTX với các chiến lược quốc gia khác hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các định hướng lớn, mục tiêu, nhiệm vụ cốt lõi để thực hiện Chiến lược TTX; lựa chọn một số dự án điển hình (5-7 dự án) có tiềm năng tạo ra đột phá làm thí điểm và được theo dõi, đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai quy mô rộng hơn…); nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, hài hòa với thông lệ quốc tế, giúp các cơ quan có cơ sở pháp lý cụ thể hơn trong việc lựa chọn các dự án đầu tư ở các bộ, ngành, địa phương cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của TTX.
Chủ trì hoặc phối hợp với bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, tổng hợp đề xuất với Ban Chỉ đạo, Trưởng ban các cơ chế huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, các cơ chế tài chính bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu TTX tận dụng lợi thế của nền tảng số và chuyển đổi số; phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động hội nhập, "ngoại giao công nghệ", "ngoại giao khí hậu"; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí, các Bộ ngành, địa phương trong việc tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội để thay đổi nhận thức, hành vi, đạo đức về thực hành sản xuất, tiêu dùng, lối sống xanh; nghiên cứu để có các kênh, chương trình riêng về TTX để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về TTX, hướng dẫn thực hành lối sống, hành vi sản xuất, tiêu dùng xanh; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa nội dung này vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo trong các cấp học (bao gồm cả đào tạo nghề).
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển… nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chiến lược TTX và Kế hoạch hành động (phân công trách nhiệm rõ ràng, có thời hạn cụ thể); kịp thời đề xuất, kiến nghị với Trưởng ban xem xét việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề quan trọng, liên ngành, cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện Chiến lược TTX và Kế hoạch hành động trên phạm vi toàn quốc.
Xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động TTX của ngành, địa phương với các lĩnh vực, nhiệm vụ có tính chất ưu tiên cao nhất cho giai đoạn từ nay đến năm 2025 (trong đó có bao gồm các nội dung: hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TTX; ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo; áp dụng chuyển đổi số…) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp.
Nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các bộ tiêu chí về TTX trong phạm vi ngành mình, đảm bảo phù hợp với bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia, lượng hóa các nội dung TTX đề ra tại Chiến lược TTX và phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế; xây dựng cơ chế định giá cacbon theo đúng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế…
Theo Thông báo, Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch hành động) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 và Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Tiếp sau đó, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về TTX, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và điều phối giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai Chiến lược.
Chiến lược TTX bước đầu triển khai thành công, từng bước góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mở rộng khả năng tiếp cận bình đẳng cho nhân dân về thành quả phát triển của quá trình chuyển đổi xanh; hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, nhất là các cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Chiến lược TTX cần được nhận thức là chiến lược xuyên suốt, khâu nối, điều phối và dẫn dắt các chiến lược, đề án, quy hoạch khác của đất nước hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Để việc triển khai thực hiện Chiến lược đạt hiệu quả cao nhất, cần tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TTX, trong đó cần bảo đảm các công cụ thực thi, theo dõi, đánh giá… được ban hành đầy đủ, cơ chế chính sách thuận lợi cho việc triển khai tại các cấp từ Trung ương đến địa phương; bên cạnh đó cần quan tâm đầy đủ tới nguồn lực đầu tư (công, tư), công nghệ quản trị, đào tạo nhân lực; các bộ, cơ quan liên quan cần tích cực, chủ động hội nhập, học tập kinh nghiệm quốc tế về phát triển bền vững, TTX./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư