Một toà chung cư đang trong quá trình xây dựng ở Munich (Đức) ngày 19/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) Theo một nghiên cứu mới đây, nếu quan hệ kinh tế Đức-Trung Quốc không được duy trì liên tục, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm 2% và điều này có thể gây ra thiệt hại gần 57 tỷ euro mỗi năm.
Hiệp hội Công nghiệp số và Điện tử Đức (ZVEI) ngày 19/6 đã nhấn mạnh rằng thị trường của Trung Quốc có tầm quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Phát biểu trước cuộc tham vấn Đức-Trung Quốc lần thứ bảy diễn ra tại Berlin, Chủ tịch Hội đồng quản trị ZVEI Wolfgang Weber, cho biết việc nối lại đối thoại kinh doanh giữa Đức và Trung Quốc là rất quan trọng.
Trong một thông báo cùng ngày, ZVEI cho biết Trung Quốc cho đến nay là nhà cung cấp lớn nhất các sản phẩm điện tử và kỹ thuật điện cho Đức. Đây cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành công nghiệp Đức cùng với Mỹ và là địa điểm lớn thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), Trung Quốc cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong bảy năm liên tiếp. Chỉ riêng trong quý đầu tiên của năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 64,7 tỷ euro (71 tỷ USD).
Cũng trong thời gian này, 86% kim ngạch nhập khẩu máy tính xách tay, 67,8% điện thoại thông minh và điện thoại, 39,2% pin lithium-ion của Đức là từ Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo (WIFO) đại diện cho Quỹ Doanh nghiệp Gia đình, nếu quan hệ kinh tế với Trung Quốc không được duy trì liên tục, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm 2% và điều này có thể gây ra thiệt hại gần 57 tỷ euro mỗi năm.
Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với các thương nhân trên khắp châu Âu, vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2020.
Theo số liệu thống kê chính thức, với lượng hàng hóa được giao dịch trị đạt trị giá 696 tỷ euro, quốc gia này chiếm 16% tổng kim ngạch thương mại của cả khối vào năm 2021.
Chủ tịch Hội đồng quản trị ZVEI Weber nói: “Thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc có lợi cho cả hai bên”./.