(MPI) - Ngày 21/7/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia phản biện về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (Báo cáo ĐMC) của quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Tỉnh trước khi trình Hội đồng thẩm định thông qua.
|
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có vị trí thuận lợi vừa nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam của Việt Nam, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Báo cáo ĐMC của quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trên toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh, với diện tích tự nhiên là 4.701,23 km2, gồm Thành phố Đông Hà, Thị xã Quảng Trị và 08 huyện.
Đánh giá tác động của quy hoạch đến môi trường, Báo cáo ĐMC đã đưa ra 7 vấn đề môi trường chính gồm: ảnh hưởng đến tài nguyên nước; suy giảm chất lượng không khí; gia tăng chất thải rắn và chất thải nguy hại; suy thoái tài nguyên đất; suy thái tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học; thiên tai và sự cố môi trường; biến động môi trường xã hội.
Báo cáo đưa ra quan điểm, quy hoạch có thể thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp như tăng tiềm lực kinh tế, góp phần tăng nhanh GRDP cho tỉnh Quảng Trị qua thu nhập từ công nghiệp, đem lại nguồn đóng góp cho ngân sách tỉnh, bổ sung nguồn ngân sách cho giảm nghèo, phát triển văn hóa,…; phát triển hệ thống đô thị, tạo ra trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, công nghệ cho toàn tỉnh với cơ sở hạ tầng nhà cửa, giao thông, năng lượng, cấp thoát nước văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, quy hoạch sẽ phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước cho sản xuất, góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân, chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, kiểm soát lũ, phòng chống xói lở.
Báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính, trong đó chú trọng các biện pháp quản lý môi trường nước, chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm do chất thải rắn. Chú trọng đến bảo vệ hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học như kiện toàn, nâng cấp các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù, có giá trị bảo vệ môi trường, phát triển du lịch và thích ứng biến đổi khí hậu. Giảm thiểu rủi to thiên tai và sự cố môi trường bằng cách quy hoạch xây dựng khu dân cư, các công trình hạ tầng ở vùng an toàn với lũ quét, sạt lở, cháy rừng.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia phản biện cho rằng, các vấn đề môi trường chính cần được xác định rõ ràng hơn trong Báo cáo ĐMC của quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể làm rõ thực trạng về môi trường nước, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; nêu rõ xu hướng, diễn biến các vấn đề môi trường chính khi không thực hiện phương án quy hoạch; điều chỉnh theo hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn; bổ sung đánh giá hiện trạng thu gom rác thải, tái chế chất thải.
Báo cáo cần bổ sung thêm phương pháp xử lý chất thải y tế, đánh giá cụ thể về chất lượng và giải pháp bảo đảm nguồn nước dùng cho sinh hoạt khi quy hoạch có thể ảnh hưởng. Ngoài ra, đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường như dữ liệu tài nguyên nước, môi trường không khí và đẩy mạnh chuyển đổi số trong môi trường gắn với chuyển đổi xanh để tăng cường phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cảm ơn ý kiến góp ý quý báu, tâm huyết của các chuyên gia; khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo ĐMC để sớm trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, việc nghiên cứu và xây dựng quy hoạch tỉnh là rất cần thiết nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ để chính quyền các cấp xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm. Báo cáo ĐMC của quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quá trình nhận dạng, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính, làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường trong quy hoạch./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư