1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản:
a. Nông nghiệp:
+ Trồng trọt:
FGieo trồng vụ đông xuân: tính đến ngày 15/01/2013 toàn tỉnh đã xuống giống được 64.413 ha, giảm 2,52% so cùng kỳ; trong đó, có 49.023 ha cây trồng thu hoạch trong vụ, giảm 6,12% và 15.390 ha cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì), tăng 11,05%. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:
Diện tích cây lúa đạt 34.788 ha, tăng 2,59%, do tận dụng diện tích đã thu hoạch xong để xuống giống, song song đó cũng còn một số diện tích đang trong giai đoạn làm đất, chuẩn bị xuống giống đồng loạt để né rầy.
Diện tích ngô đạt 2.457 ha, tăng 0,82%, do loại cây trồng này thời gian cho thu hoạch nhanh nên nông dân tranh thủ những diện tích trống để xuống giống.
Diện tích rau đậu các loại đạt 7.009 ha, giảm 20,8%; trong đó, một số nơi mới thu hoạch vụ mùa xong, đang chuẩn bị đất để xuống giống kịp thời vụ.
Diện tích đậu phộng đạt 3.980 ha, giảm 25,02%; do giá thu mua thấp mà chi phí nhân công cao nên nhiều hộ không mặm mà trồng do vậy diện tích ngày càng bị thu hẹp.
Đối với các cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì): Diện tích mì đạt 14.562 ha, tăng 13,19%; Diện tích mía trồng mới đạt 828 ha, giảm 16,7% so cùng kỳ năm trước.
FThu hoạch vụ mùa: đến nay, cơ bản đã kết thúc thu hoạch vụ mùa, toàn tỉnh đã thu hoạch được 67.700 ha cây trồng các loại, giảm 0,42% so cùng kỳ và đạt 99,64% trên tổng diện tích gieo trồng (không tính diện tích cây mì, cây mía); trong đó cây lúa đạt 56.392 ha, giảm 0,47% và đạt 99,90% diện tích gieo trồng; rau đậu các loại thu hoạch được 7.964 ha, tăng 1,14% so cùng kỳ và đạt 99,19 % diện tích gieo trồng; còn lại một số cây trồng khác cũng đã thu hoạch gần hết. Năng suất một số cây trồng chính như sau: lúa ước đạt 4,8 tấn/ha, ngô đạt 5,07 tấn/ha, đậu phộng đạt 2,76 tấn/ha, năng suất tăng nhẹ so cùng kỳ do áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các giống mới vào để sản xuất nhằm năng cao năng suất; cây rau các loại ước đạt 14,76 tấn/ha, giảm nhẹ do giá thu mua không ổn định nên một số diện tích chăm sóc ít dẫn đến năng suất giảm, đồng thời cũng bị ảnh hưởng của một số cơn mưa lớn làm giảm năng suất.
Đối với cây mì, mía trồng các vụ trước: đến nay đã thu hoạch 22.072 ha mì (+ 1,38%), mía (gồm cả mía trồng mới và mía lưu gốc) đạt 11.779 ha; với năng suất bình quân cây mì ước đạt 29,37 tấn/ha và cây mía đạt 71,34 tấn/ha.
FTình hình sâu bệnh: trong tháng tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng ở mức nhiễm nhẹ, diện tích nhiễm bệnh ít, tập trung chủ yếu bệnh rầy nâu trên cây lúa giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, bệnh bọ trĩ; sâu xanh, than thư trên cây rau các loại.
+ Chăn nuôi:
Trong tháng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Từ nay đến tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm tăng nên hoạt động chăn nuôi cũng tăng; tuy vậy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất dễ xảy ra do mầm bệnh ngoài môi trường như cúm gia cầm, tai xanh lợn vẫn còn, nên người chăn nuôi cần chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình chăn nuôi. Chăn nuôi khác chậm phát triển, hiện nay chỉ phát triển mạnh ở mô hình nuôi rắn long thừa do đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại khác, tuy nhiên giá thu mua giảm nên người nuôi thu lợi nhuận đạt thấp.
Trong tháng, các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh, cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi và tồn dư chất cấm trong thịt tại các cơ sở giết mổ; đẩy mạnh công tác kiểm dịch tại gốc, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc xuất nhập tỉnh và đưa vào các lò mổ.
b. Lâm nghiệp:
Trong tháng các ngành chức năng tập trung đôn đốc các chủ rừng bố trí lực lượng, phối hợp với các lực lượng trú đóng trên địa bàn thường xuyên tuần tra dọc biên giới Việt Nam – Campuchia nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã; kết quả: đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 16 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó 02 vụ phá rừng, diện tích rừng bị tác động 0,08 ha. Công tác trồng rừng chủ yếu tập trung nghiệm thu cơ sở diện tích rừng trồng trong năm kế hoạch 2012. Hiện nay đang vào mùa khô, các đơn vị chủ rừng tập trung chăm sóc và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trồng, cụ thể: thực hiện tốt công tác đốt chủ động, gom dọn đốt thực bì, cày chống cháy để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng.
c. Thủy sản:
Tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn được phát triển tập trung chủ yếu ở các khu vực có nước lòng hồ Dầu Tiếng. Trong tháng, thủy sản nuôi trồng đang bước vào mùa thu hoạch cuối vụ của diện tích đã thả trong năm 2012, sản lượng trong tháng 1/2013 ước đạt 550 tấn, trong đó sản lượng cá ước đạt 540 tấn. Khai thác thủy sản trong tháng có chiều hướng tăng lên khi vào mùa khô, ước sản lượng tháng 1/2013 đạt 271 tấn, trong đó cá đạt 264 tấn và hiện khai thác vẫn tập trung trong hồ Dầu Tiếng.
2. Sản xuất Công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2013 giảm 8,1% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,22%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có chỉ số sản xuất giảm 8,31%; cụ thể: ngành SX chế biến thực phẩm giảm mạnh (- 16,18%), chủ yếu do ngành sản xuất đường -17,84% (vì càng về sau lượng đường càng có xu hướng giảm do chữ đường thấp hơn đầu vụ), sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột cũng giảm 11,22% so tháng trước; SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng) giảm 6,47%; SX da và các sản phẩm có liên quan cũng giảm 17,98%; ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng khá như: SX trang phục tăng 7,41%; dệt tăng 25,96%; SX sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,66%; SX hóa chất và sản phẩm hóa chất cũng tăng 1% so với tháng trước. Ngành SX, phân phối điện, khí đốt chỉ số sản xuất tháng 01 giảm 17,77%. Và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất trong tháng tăng 4,12% so tháng trước.
So cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng này tăng 41,33%. Trong đó, công nghiệp khai khoáng gấp 3,25 lần; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 39,25%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 78,5% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng tăng 125,12%; chủ yếu do thời gian hoạt động tháng 01 năm nay dài hơn tháng 01 năm trước (Tết Nguyên đán năm năm 2012 rơi vào tháng 01 dương lịch, còn năm 2013 lại bắt đầu từ tháng 02 dương lịch), và như vậy tháng 01 năm nay là tháng sản xuất hàng phục vụ tết còn tháng 01 năm ngoái là tháng bị ảnh hưởng của thời gian nghỉ tết nên sản xuất công nghiệp năm nay tăng đột biến so với năm ngoái.
3. Vốn đầu tư phát triển:
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 1/2013 đạt 62 tỷ đồng, giảm mạnh (- 71,01%) so tháng trước. Bao gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 38 tỷ đồng (- 68,95%), ngân sách cấp huyện đạt 24 tỷ đồng (- 72,63%), ngân sách cấp xã chưa phân khai vốn. Nguyên nhân do đây là tháng đầu năm UBND tỉnh chưa ban hành Quyết định đầu tư xây dựng cơ bản nên các chủ đầu tư chủ yếu thi công các phần việc còn lại của các công trình đã cơ bản hoàn thành trong năm 2012; còn phần lớn các công trình đang trong giai đoạn thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ sẽ được khởi công vào các tháng sau.
So cùng kỳ (tức tháng 1/2012) vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tăng 8,87%. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh tăng 4,93%, vốn ngân sách cấp huyện tăng 15,83%; chủ yếu do tháng một năm ngoái chịu ảnh hưởng của thời gian nghỉ tết trong khi tháng một năm nay lại là tháng tập trung hoàn thành các công trình chuẩn bị đón tết nguyên đán 2013.
4. Giao thông vận tải:
Vận tải hành khách tháng 1/2013 ước tính đạt 1.347 nghìn lượt khách, tăng 7,34% và 78,12 triệu lượt khách.km, tăng 7,62% so tháng trước; chủ yếu tập trung ở khu vực ngoài nhà nước, với 1.345 nghìn lượt khách, tăng 7,35%, luân chuyển 77,64 triệu lượt khách.km, tăng 7,63%; và tập trung ở vận tải đường bộ với 1.288 nghìn lượt khách, tăng 7,68%, luân chuyển 78,08 triệu lượt khách.km, cũng tăng 7,62% so tháng trước. So cùng kỳ năm trước (tháng 1/2012), vận tải hành khách tăng 7,16% và luân chuyển tăng 4,99%.
Vận tải hàng hóa tháng 1/2013 ước tính đạt 764 nghìn tấn, giảm 3,38% và 50 triệu tấn.km, giảm 3,04% so tháng trước. Vận tải hàng hóa của tỉnh hoàn toàn do khu vực ngoài nhà nước đảm nhận và chủ yếu tập trung ở vận tải đường bộ với 756 nghìn tấn, giảm 3,47%, luân chuyển 49 triệu tấn.km, cũng giảm 3,24% so tháng trước. So cùng kỳ năm trước (tháng 1/2012), vận tải hàng hóa tăng 5,43% và luân chuyển tăng 4,14%.
5. Thương mại - Xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Trong tháng, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh tập trung chuẩn bị hàng với chủng loại phong phú, đa dạng, chất lượng đảm bảo, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp cuối năm và đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán; nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá để khuyến khích tiêu dùng của dân cư trong dịp tết; tuy nhiên, cũng bắt đầu từ tháng 1/2013, các doanh nghiệp thương mại tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (kinh tế tư nhân) đồng loạt ngưng hoạt động do quy định bán hàng miễn thuế đã hết thời hạn và đang chờ quyết định của Chính phủ, từ đó cũng phần nào ảnh hưởng đến doanh thu của khu vực kinh tế tư nhân và do đó ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ chung của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 1/2013 ước đạt 3.599 tỷ đồng, giảm 1,63% so tháng trước. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 1.098 tỷ đồng, giảm 7,54%; ngược lại, kinh tế cá thể đạt 2.140 tỷ đồng, tăng 3,31% so tháng trước. Xét theo ngành hoạt động, thì tổng mức giảm chủ yếu ở ngành thương nghiệp, ước đạt 2.761 tỷ đồng, giảm 2,47% so tháng trước.
So cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1/2013 tăng 8,14%; nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 1,76%. Bao gồm: thương nghiệp đạt 2.761 tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức, tăng 7,7%; khách sạn, nhà hàng đạt 435 tỷ đồng, tăng 24,82%; du lịch lữ hành 0,7 tỷ đồng, tăng 8,06%; và dịch vụ đạt 403 tỷ đồng, giảm 3,15% so tháng 1/2012.
b) Xuất Nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: ước kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2013 đạt 149 triệu USD, tăng 5,56% so tháng trước. Hầu hết các thành phần kinh tế đều có trị giá xuất khẩu tăng từ 3-6%; trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN xuất 99 triệu USD, tăng 5,86%, kinh tế nhà nước tăng 3,1%, kinh tế tư nhân đạt 45 triệu USD, tăng 5,4% so tháng trước. Một số mặt hàng xuất khẩu chính cũng tăng khá như: cao su tăng 6,32%; hàng dệt may tăng 5,78%; giày dép các loại tăng 9,35%; … ; trong tháng, các đơn vị tập trung nguồn lực để sản xuất và xuất khẩu hết các đơn hàng trước ngày nghỉ tết âm lịch.
Do tháng một năm nay là tháng giáp tết, trong khi tháng một năm ngoái trùng vào thời gian nghỉ tết nên so với cùng kỳ năm trước xuất khẩu tăng mạnh, tăng 63,1%; trong đó, kinh tế tư nhân tăng 72,28%; kinh tế có vốn ĐTNN tăng 58,96%; đặc biệt kinh tế nhà nước gấp 2 lần cùng kỳ.
+ Nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng này ước đạt 85 triệu USD, tăng 4,62% so tháng trước, trong đó, tăng chủ yếu ở kinh tế có vốn ĐTNN với 61 triệu USD, tăng 5,5%; và kinh tế tư nhân đạt 23 triệu USD, tăng 2,5% so tháng trước.
So với tháng 1/2012, tình hình tương tự như xuất khẩu, nhập khẩu tháng này tăng 63,12%. Mặt hàng nhập khẩu của tỉnh vẫn chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, đó là: vải may mặc đạt 12 triệu USD, gấp 2,75 lần; phụ liệu hàng may mặc tăng 38,32%; phụ liệu giày dép đạt 11 triệu USD, gấp 5,26 lần; chất dẻo nguyên liệu gấp 3,83 lần so cùng kỳ năm trước.
6. Chỉ số giá tiêu dùng:
Sắp đến tết nguyên đán Quý Tỵ 2013, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, sức mua cuối năm cũng tăng dần lên, do đó một số mặt hàng cũng “rục rịch” tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI) tháng 1/2013 tăng 0,56% so với tháng trước và tăng 6,27% so với cùng tháng năm trước. Tình hình diễn biến giá tiêu dùng của một số nhóm hàng chính trong tháng như sau:
Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,13%, trong đó, gạo các loại tăng 0,11%, ngô hạt tăng 8,95%, khoai lang tăng 5,12%, do nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng.
Chỉ số nhóm thực phẩm tháng này tăng 1,14%, trong đó nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 3,2%, chủ yếu do giá thịt heo các loại tăng 4,05%, cụ thể như sau: thịt lợn mông sấn (heo đùi) tăng 2,2%, thịt lợn nạc thăn tăng 4,09%, thịt lợn ba rọi tăng 3,7%, sườn non tăng 6,98%; nhóm gia cầm tươi sống tăng 7,1%, trong đó thịt gà tăng 6,61%, và gia cầm khác tăng 8,35% so với tháng trước; nguyên nhân do nguồn cung giảm khi nguồn hàng nhập này từ Trung Quốc trong thời gian qua được kiểm soát và xiết chặt, trong khi đó sức tiêu thụ cuối năm tăng đã làm cho giá các mặt hàng này tăng lên. Trứng các loại tăng 4,54% so với tháng trước, đây là những mặt hàng mà trong thời gian qua có mức tiêu thụ tăng cao do các tổ chức, cá nhân đã tập trung thu mua với khối lượng lớn để sản xuất các sản phẩm chuẩn bị phục vụ cho tết nguyên đán Quý Tỵ 2013. Nhóm rau tươi các loại tháng này giảm 6,84%, cụ thể ở các mặt hàng như: cà chua giảm 6,32%, rau muống giảm 4,93%, bí xanh giảm 7,1%, dưa chuột giảm 8,51%, củ cải trắng giảm 13,67%, rau cải xanh giảm 14,59% và nhất là đỗ cô ve giảm 18,84%, nguyên nhân do thời tiết trong tháng qua mát mẽ thuận lợi cho việc trồng rau đạt năng suất cao, lượng cung tăng làm cho giá bán giảm.
Các nhóm hàng hóa dịch vụ phi lương thực, thực phẩm tăng 0,22%, trong đó nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 1,33%, trong đó, các mặt hàng quần áo có thương hiệu và tiền công may mặc tăng do nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm tăng lên; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,12%, trong đó gas đun giảm 1,17%, dầu hỏa giảm 0,84% so với tháng trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36%; nhóm gao thông giảm 0,14%, trong đó nhóm nhiên liệu giảm 0,25%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%. Các nhóm còn lại tương đối ổn định so với tháng trước.
Giá vàng và đôla Mỹ: giá vàng bình quân tháng 1/2013 là 4.559.000 đ/chỉ, giảm 130.000đ/chỉ (- 2,77%); giá đô la Mỹ tháng này là 21.710 đ/USD, giảm 60 đ/USD (- 0,28%) so với tháng 12/2012.
7. Thu chi ngân sách:
a) Thu ngân sách:
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 1/2013 đạt 370 tỷ đồng, đạt 7,12% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 260 tỷ đồng, chiếm 70%, đạt 7,29% dự toán, tăng 16,5% so cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tháng một năm nay không trùng vào dịp nghỉ tết nguyên đán như năm 2012 nên kết quả thu NSNN đạt khá và tăng so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nguồn thu nội địa trong tháng đầu năm nay đều tăng so cùng kỳ; trong đó khoản thu đạt cao nhất là thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh với 124 tỷ đồng, bằng 8% dự toán, tăng 87,68% so cùng kỳ; thu từ DN có vốn ĐTNN tăng 23,1%; thu lệ phí trước bạ tăng 43,29%; thu tiền sử dụng đất gấp 3,7 lần; … . Các khoản thu để lại chi quản lý qua NSNN đạt 94 tỷ đồng, tăng 18,76%; riêng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 80 tỷ đồng, cũng tăng 1,86% so tháng 1/2012.
b) Chi ngân sách:
Chi ngân sách ước tháng 1/2013 đạt 467 tỷ đồng, tăng 43,44% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu là chi thường xuyên với 351 tỷ đồng, tăng 16,4%; chi đầu tư phát triển 30 tỷ đồng, tăng 24,04% so tháng 1/2012 và chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết ước đạt 79 tỷ đồng (tháng 1/2012 không có thực hiện nội dung này).
8. Hoạt động ngân hàng:
Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tương đối ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn ước đến cuối tháng 1/2013 đạt 24.347 tỷ đồng, tăng 0,38% so đầu tháng và tăng 16,38% so cùng kỳ. Trong tháng các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác huy động vốn, do đó vốn huy động ước đến cuối tháng đạt 20.290 tỷ đồng, tăng 1% so đầu tháng và tăng đến 20,28% so cùng kỳ.
Hoạt động cho vay cũng được tăng cường, dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 1 đạt 17.270 tỷ đồng, tăng 0,93% so đầu tháng và tăng 12,22% so cùng kỳ. Nợ xấu ước đạt 164 tỷ đồng, giảm 2,41% so đầu tháng, tăng 9,13% so tháng 1/2012.
9. Tình hình văn xã:
a) Lao động, giải quyết việc làm:
Trong tháng 1/2013 ngành Lao động TBXH tỉnh đã giải quyết việc làm cho 917 lao động, đạt 4,58% kế hoạch năm. Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 904 lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 13 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Về tranh chấp lao động: do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động tốt, quyền lợi công nhân được giải quyết thỏa đáng, trong tháng 01/2013 không xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến đình công trên địa bàn tỉnh.
b) Hoạt động y tế:
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 208 ca sốt Dengue/ sốt xuất huyết, trong đó có 01 ca tử vong; thủy đậu có 04 ca; tay chân miệng 244 ca ; sốt rét 06 ca, trong đó có 01 ca sốt rét ác tính và không có tử vong.
Bệnh HIV/AIDS: trong tháng phát hiện mới 16 ca HIV, 23 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 2.986 ca HIV (nữ 828 ca), trong đó 2.019 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 507 ca) và có 1.096 người tử vong do AIDS. Trong tháng, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức tập huấn kiến thức chăm sóc người nhiễm HIV cho Đồng đẳng viên Dự án Quỹ Toàn Cầu trên địa bàn tỉnh.
Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, trong tháng đã tiến hành kiểm tra 256 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống … , kết quả có 204 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (đạt tỷ lệ 79,68%) và không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
c) An toàn giao thông:
Mặc dù công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên địa bàn tỉnh được tăng cường nhưng do là thời gian cuối năm, số lượng xe lưu thông nhiều cộng thêm tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông đã làm cho tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng so tháng trước. Cụ thể: từ ngày 16/12/2012-15/1/2013 trên địa bàn tỉnh đã xãy ra 12 vụ tai nạn giao thông (+ 7 vụ), làm chết 14 người (+ 10 người) và bị thương 07 người (+ 7 người); nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát, và đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
d) Hoạt động văn hoá:
Trong tháng 1/2013, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị như: ngày toàn quốc kháng chiến 19/12, ngày truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, kỷ niệm 45 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972-2012), ngày dân số Việt Nam 26/12, “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”, phòng chống tham nhũng, phòng cháy chữa cháy, chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh, … . Kết quả, Ngành đã thực hiện 795 lượt băng ron, 31 buổi xe loa, 39 panô, 2.242 cờ các loại, 4 buổi văn nghệ của các Đội tuyên truyền lưu động, văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị..
Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: Bảo tàng tỉnh thực hiện trưng bày triển lãm chuyên đề “Kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng B52” (18/12/1972-18/12/2012), đón được 89 lượt người tham quan học tập; tổ chức triễn lãm lưu động phục vụ được 4.822 lượt người tại trường PTTH chuyên Hoàng Lê Kha, Trung đoàn 4 và 5 Sư đoàn bộ binh 5. Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh tổ chức cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa với chủ đề “Đình Lộc Hưng” có 3.936 thư tham gia.
Hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức trưng bày sách, báo, tài liệu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và mừng các ngày lễ lớn. Trong tháng, Thư viện tỉnh phục vụ được 9.043 lượt bạn đọc với 32.529 lượt sách, báo, tạp chí; Thư viện huyện, thị phục vụ được 24.030 lượt bạn đọc với 89.770 lượt sách, báo các loại.
Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong tháng Thanh tra sở kết hợp với đội kiểm tra liên ngành 814/TTg các cấp tổ chức kiểm tra 212 cuộc với 416 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá và hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú. Kết quả: đã kiểm tra nhắc nhở 04 trường hợp, lập biên bản vi phạm hành chính 20 trường hợp, ban hành 09 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt: 24,8 triệu đồng.
e) Thiệt hại do thiên tai:
Từ ngày 16/12/2012 đến 15/01/2013, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không xảy ra đợt thiên tai nào.
f) Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường:
Trong tháng 01/2013 (từ ngày 16/12/2012 đến 15/01/2013), không có vụ cháy, nổ nào xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Cũng trong tháng một, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với cơ sở sản xuất trên địa bàn; kết quả đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 01 đơn vị, ra quyết định xử phạt hành chính 01 đơn vị với số tiền phạt 5 triệu đồng./.
Website Cục Thống Kê Tây Ninh