(MPI Portal) – Sáng ngày 30/01, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển triển khai lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thế Phương, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội nghị còn có sự tham dự của đồng chí Phạm Mạnh Cường, Phó Bí thư thường trực cơ quan, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cùng Lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện và các đơn vị trực thuộc Bộ, Các đồng chí cấp ủy viên Đảng bộ, Chi bộ, Đại diện hội cựu chiến binh, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cơ quan, Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia và Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết Hội nghị nhằm quán triệt thực hiện các nội dung theo Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị về việc góp ý xây dựng Hiến pháp từ các cán bộ chủ chốt của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, đến nay Việt Nam đã có 4 bản Hiến pháp là Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Hiến pháp năm1992 được sửa đổi bổ sung và ban hành trong giai đoạn thực hiện đổi mới của đất nước. Hiến pháp 1992 tạo cơ sở chính trị pháp lý quan trọng cho việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH HĐH) đất nước. Qua 20 năm thực hiện, Hiến pháp 1992 cần được sửa đổi để phù hợp với định hướng phát triển toàn diện, bền vững vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đáp ứng được những yêu cầu thay đổi trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động mới.
|
Đồng chí Nguyễn Thế Phương, Ủy viên ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được xây dựng và công bố rộng rãi cho các đối tượng, người dân theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, ngày 02/01/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Hiến pháp liên quan đến nội dung về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế. Để triển khai kế hoạch lấy ý kiến một cách có hiệu quả đề nghị các cán bộ đảng viên quán triệt sâu sắc và nghiên cứu tham gia ý kiến về toàn bộ nội dung của Hiến pháp gồm lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…, quy trình sửa đổi, kỹ thuật trình bày và các quy định của Hiến pháp. Trọng tâm là các quy định về thể chế kinh tế, chế độ kinh tế và các công cụ quản lý nền kinh tế.
Cụ thể, nội dung tham gia ý kiến cần tập trung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư bao gồm các quy định về chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục và công nghệ. Trong đó, nội dung góp ý trọng tâm liên quan đến thành phần kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế và vai trò quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.
Hội nghị được nghe đồng chí Phạm Mạnh Cường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan quán triệt Chỉ thị 22-CT/W năm 2012 về việc lấy ý kiến góp ý xây dựng Hiến pháp, Kết luận Hội nghị Trung ương5 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
|
Đồng chí Phạm Mạnh Cường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan quán triệt Chỉ thị 22-CT/TW và Kết luận Hội nghị Trung ương5 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hiến pháp 1992 đã tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, CNH,HĐH, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Chuyển nền kinh tế Kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bước đầu hội nhập thành công kinh tế quốc tế; Phát huy nhân tố con người, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước, xã hội; Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền do Dân, vì Dân; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống, xã hội được điều chỉnh bởi Luật và cơ bản bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi; Đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện và tạo tiền đề quan trọng để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH.
Theo Kết luận Hội nghị Trung ương 5 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần thể chế hóa cụ thể và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; Tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc và huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; Khẳng định rõ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội như Điều 4 Hiến pháp 1992 và bổ sung một số nội dung về Đảng, về hoạt động của Đảng; Tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân; Xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường XHCN, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường;Tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Sửa đổi Hiến pháp để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; Sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.
Việc lấy ý kiến của nhân dân góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phải đạt hiệu quả theo đúng tinh thần của Chỉ thị 22-CT/TW. Theo đó, cần tổ chức quán triệt, cấp ủy đưa nội dung này vào sinh hoạt chi bộ; Tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp góp ý nhân dân từ 02/01/013 đến 31/3/013; Đấu tranh ngăn chặn lợi dụng xuyên tạc chống phá; Tổ chức tuyên truyền, phản ánh ý kiến nhân dân; Tổ chức tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân và các cấp ủy triển khai nghiêm túc, có báo cáo, kiểm tra.
|
GS.TSKH Nguyễn Mại phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Dự thảo Hiến pháp có nhiều điểm mới so với Hiến pháp 1992 về việc bổ sung, hoàn thiện quyền con người và quyền công dân có quan điểm mới về chế độ kinh tế, thành phần kinh tế, về sở hữu. Thể hiện rất rõ sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng đã giúp phân định rõ ràng, minh bạch hơn các nhánh quyền lực lập pháp – hành pháp – tư pháp Dự thảo là những cố gắng trong việc điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phù hợp hơn với tình hình mới Dự thảo lần đầu tiên quy định các thiết chế hiến định mới, bao gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.
Tại Hội nghị, GS.TSKH Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại việc lấy ý kiến cho Dự thảo không mang tính hình thức mà phải tập trung tài lực, tâm huyết vì một Hiến pháp đảm bảo tính lâu dài và bảo đảm phát triển bền vững. Dự thảo Hiến pháp 1992 cần có sự phối hợp giữa ba quyền lực hành pháp, tư pháp và lập pháp và thể hiện rõ hơn vai trò, chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Hội nghị triển khai lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tập hợp ý kiến của tầng lớp tri thức, phản ánh toàn bộ nguyện vọng, tri thức của các cán bộ ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê góp phần sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự kiến việc lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 từ các cán bộ ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê sẽ kết thúc vào ngày 01 tháng 3 năm 2013. Sau đó các ý kiến sẽ được tổng hợp và gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư