(MPI Portal) – Sáng 21/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý từ các Bộ, ngành, với mục đích phân tích, nhìn nhận và đánh giá về tình hình lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam những năm gần đây, xác định mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng và đưa ra những khuyến nghị chính sách.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, ông Joakim Parker, Giám đốc USAID tại Việt Nam cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, các viện nghiên cứu, …
|
TS. Nguyễn Thạc Hoát, Học viện Chính sách
và Phát triển. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Cao Viết Sinh mong muốn tại Hội thảo lần này, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý có những phân tích, nhìn nhận về tình hình lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam những năm gần đây, xác định mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng và đưa ra những khuyến nghị chính sách.
Tham luận “Quan hệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam với mục tiêu phát triển bền vững” của TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính – Tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển. Tham luận đưa ra nhận định nguyên nhân chủ yếu của lạm phát ở Việt Nam đó là: Các cú sốc thâm hụt ngân sách; Các cú sốc tăng tổng cầu một số lĩnh vực phát triển nóng; Các cú sốc về điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường và tăng giá nguyên liệu đầu vào của hàng nhập khẩu.
Theo TS. Nguyễn Thạc Hoát, chính sách tăng trưởng cao làm cho tổng cầu tăng nhanh, tất yếu tăng giá và áp lực tăng lạm phát cầu kéo. Yêu cầu tăng trưởng cao sẽ tạo ra áp lực tăng trưởng tín dụng và cung tiền cao, tất yếu xảy ra lạm phát tiền tệ. Lạm phát này cộng hưởng với lạm phát do cầu kéo, lạm phát cơ cấu sẽ gây bùng phát lạm phát ở mức cao. Khi lạm phát cao nếu thực thi chính sách giảm quá nhanh và quá thấp lạm phát buộc phải thực hiện chính sách tài chính tiền tệ thắt chặt, dẫn tới tổng cầu giảm đột ngột và quá sâu gây suy thoái kinh tế và giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
|
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Ảnh: Đức trung (MPI Portal) |
Từ những nhận định đó, TS. Nguyễn Thạc Hoát cũng đã đưa ra gợi ý chính sách đối với Việt Nam: Về dài hạn phải đạt được đồng thời cả 2 mục tiêu và quan điểm tăng trưởng cao lạm phát thấp là đúng đắn, nhưng trong ngắn hạn và trung hạn rất khó có thể điều hành để đạt được cả hai mục tiêu trên. Trong điều kiện suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn, thất nghiệp tăng cao nên ưu tiên tăng trưởng, để đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm do Đảng và Quốc hội đề ra 7 – 7,5% năm thì lạm phát ở ngưỡng tối ưu cho Việt Nam trong giai đoạn 2013 – 2015 là 7 – 7,5%/năm.
Vì vậy, muốn phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao phải có chính sách đột phá để nắn dòng chảy của mọi nguồn vốn đầu tư xã hội đưa vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh.
Một tham luận khác của TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam “Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng – cơ sở lý thuyết và thực tế Việt Nam” cũng được trình bày tại Hội thảo. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng nguyên nhân dẫn đến lạm phát tại Việt Nam giai đoạn vừa qua là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố như: chi phí đẩy, yếu tố cầu kéo, yếu tố tiền tệ, yếu tố tỷ giá, …
Trong đó, yếu tố tiền tệ đóng một vai trò chính yếu khi vốn là một trong những nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu vốn đầu tư cho toàn xã hội không ngừng gia tăng qua các năm song các nguồn nội lực sẵn sàng để đáp ứng cho nhu cầu này vẫn còn hạn chế, đặc biệt khi tình trạng mất cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư vẫn còn hiện hữu ngày càng có khoảng cách tại Việt Nam.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Hội thảo cũng nhận được đóng góp sôi nổi của các đại biểu tham dự. Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cám ơn Học viện Chính sách và Phát triển đã có sáng kiến tổ chức một Hội thảo quan trọng có nhiều ý nghĩa. Thứ trưởng cũng cám ơn các nhà khoa học, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp, những phân tích quan trọng liên quan đến lạm phát và tăng trưởng trong thời gian qua. Thông qua, Hội thảo các ý kiến đóng góp, phân tích và các khuyến khích sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận, nghiên cứu và là cơ sở quan trọng trong hoạch định chính sách kinh tế trong thời gian tới./.
Minh Hậu
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư