(MPI Portal) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng mở, có khả năng hội nhập quốc tế sâu, rộng; Phát huy cao tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong Vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Quyết định nêu rõ mục tiêu phát triển Vùng như Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới hạ tầng đồng bộ, đời sống người dân được nâng cao.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của vùng khoảng 11%/năm giai đoạn 2011- 2015 và 10,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.470 USD năm 2015, năm 2020 khoảng 4.400 USD. Giá trị xuất khẩu đến năm 2015 đạt 5,6 tỷ USD, năm 2020 khoảng 10,3 tỷ USD.
Quyết định cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể về xã hội, môi trường, bảo vệ an ninh, quốc phòng. Đây là vùng có trình độ phát triển khá cao, khoa học – công nghệ sẽ trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 9300 USD.
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực
TheoQuyết định này, định hướng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, đa dạng, cạnh tranh và hiệu quả, bền vững. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 5,4%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,0%/năm.
Cụ thể, về nông nghiệp: thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng lúa. Duy trì và ổn định diện tích đất lúa đến năm 2020 khoảng 772,2 nghìn ha (trong đó đất chuyên lúa là 720,7 nghìn ha). Diện tích cây ăn quả khoảng 68 nghìn ha.
Về lâm nghiệp: thiết lập ổn định và bền vững hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ đi đôi với nâng cao hiệu quả trồng rừng sản xuất tập trung.
Thủy sản: Phát triển khai thác thủy sản một cách bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Giảm khai thác hải sản gần bờ và ven bờ, tăng dần khai thác hải sản xa bờ thông qua đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả kinh tế. Diện tích nuôi thủy sản nước lợ toàn vùng khoảng 338,5 nghìn ha năm 2015 và 345 nghìn ha năm 2020. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt ổn định khoảng 68 - 78 nghìn ha.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh
Thủ tướng yêu cầu, quy hoạch về công nghiệp, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh như ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hướng vào xuất khẩu; công nghiệp điện và năng lượng, phát triển điện sinh khối. Dự kiến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 17% giai đoạn 2011 - 2015 và 16%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đầu tư chiều sâu cho các nhà máy chế biến hiện có, mở rộng sản xuất những sản phẩm tinh chế, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị xuất khẩu, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Khôi phục và phát triển một số nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục khai thác các mỏ khí hiện có, nghiên cứu triển khai xây dựng Nhà máy lọc dầu công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm tại thành phố Cần Thơ. Xây dựng nhà máy lọc dầu tại Năm Căn. Hoàn thành Trung tâm điện lực Ô Môn; xây dựng trung tâm nhiệt điện công suất 4.400 MW tại Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Bên cạnh đó, cần phát triển các khu công nghiệp dọc theo trục giao thông quan trọng, kết hợp với mạng lưới cảng biển và cảng sông, gắn với phát triển mạng lưới đô thị. Đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống tại các địa phương.
Về phát triển giao thông đường bộ, hoàn chỉnh tuyến cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ; hoàn thành nâng cấp và mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ - Năm Căn; đường ven biển phía Nam; đường Hồ Chí Minh từ Vàm Cống (An Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau); Quốc lộ 80 từ Cần Thơ đến Hà Tiên (Kiên Giang); tuyến N1... Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống đường tỉnh và các trục xuyên tâm qua đô thị, phát triển vận tải công cộng; phấn đấu đến năm 2020 có 100% đường đến trung tâm xã và cụm xã; tỷ lệ cứng hóa đạt 100%.
Về đường biển, hoàn thành đầu tư dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố; nạo vét các đoạn cạn cửa sông, chỉnh nắn và cải tạo các đoạn cong gần cửa sông tuyến sông Cửa Lớn qua cửa Bồ Đề. Xây dựng hệ thống vận tải và hậu cần đa phương tiện (logistics) tại khu vực cảng Cái Cui.
Xây dựng mới một số cảng sông cấp tỉnh. Nâng cấp các cảng chuyên dùng, các khu bến phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ tập trung nằm ven sông và quy hoạch của từng địa phương. Đầu tư nâng cấp đưa vào kỹ thuật các tuyến vận tải thủy chính, hiện đại hóa thiết bị công nghệ quản lý và bốc xếp tại các cảng thủy nội địa chính trong Vùng.
Cũng tại Quyết định này đã chỉ rõ về quy hoạch phát triển đô thị và tổ chức lãnh thổ. Theo đó, cần tập trung phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn. Phát triển các tiểu vùng, các lãnh thổ đặc biệt như các khu kinh tế ven biển, các khu kinh tế cửa biển.
Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang) là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam.
|
File đính kèm: Quyết_định_245QĐ-TTg.pdf
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư