Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/07/2013-16:23:00 PM
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản
(MPI Portal) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2013 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ.
Ảnh: Internet
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc chấn chỉnh lại công tác quản lý, cơ cấu lại đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo hướng tập trung hiệu quả, giảm dần tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến phân bổ vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí thất thoát… Nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.
Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTgChỉ thị 27/CT-TTg.
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Các Bộ, ngành và địa phương chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.
Đối với các dự án khởi công mới, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ được phê duyệt Quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Đối với các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt Quyết định đầu tư phần vốn ngân sách Trung ương theo đúng mức vốn đã được thẩm định.
Về việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của các dự án đang triển khai dở dang đã được giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện theo đúng quy định. Đối với các dự án phê duyệt Quyết định đầu tư hoặc phê duyệt Quyết định đầu tư điều chỉnh trước khi Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có hiệu lực thi hành thì tiến hành rà soát các nội dung đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong phạm vi quản lý của ngân sách cấp mình.
Đối với các dự án phê duyệt Quyết định đầu tư hoặc điều chỉnh Quyết định đầu tư sau khi Nghị định số 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục không thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án, hiệu quả đầu tư nhằm giảm chi phí đầu tư, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Sau khi áp dụng các giải pháp trên, nếu dự án vẫn phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ các nguyên nhân do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; chính sách tiền lương và chi phí giải phóng mặt bằng; trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét quyết định dừng những dự án không bảo đảm hiệu quả đầu tư, chưa thật cấp bách để tập trung vốn cho các dự án cấp bách và hiệu quả cao hơn. Trong phạm vi cân đối ngân sách của cấp mình, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định điều chỉnh dự án.
Cũng tại Chỉ thị này Thủ tướng yêu cầu việc điều chỉnh dự án phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, mục tiêu đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn và khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ. Đồng thời cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án đối với phần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với Quyết định đầu tư ban đầu hoặc các Quyết định đầu tư điều chỉnh quy định tại các Quyết định giao kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm soát và thẩm định chặt chẽ về nguồn vốn, tổng mức vốn các dự án được bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương. Đối với các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn ngân sách Trung ương cho các dự án phê duyệt Quyết định đầu tư theo đúng mức vốn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc giao nhiệm vụ cho các địa phương tổ chức thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn tính đến Kế hoạch năm 2013 nhưng có yêu cầu điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ mức vốn theo tỷ lệ quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ theo tổng mức đầu tư ban đầu hoặc tổng mức đầu tư theo các Quyết định đầu tư quy định tại các Quyết định giao kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, hướng dẫn việc giao nhiệm vụ cho các địa phương tổ chức thẩm định nguồn vốn các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với các Quyết định đầu tư quy định tại các Quyết định giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 thực hiện theo kế hoạch vốn đã giao.
Đồng thời, hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương đối với việc cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc huy động các nguồn vốn khác để thực hiện đối với phần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của các dự án đang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương và trái phiếu Chính phủ.
Về tăng cường công tác quản lý nhằm giảm tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương báo cáo tình hình nợ đọng cơ bản đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2013 và các giải pháp xử lý nợ đọng trong thời gian tới.
Đồng thời, kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua; phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chỉ thị nêu rõ, chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký theo quy định của Luật Đấu thầu, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu. Đồng thời không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản và làm rõ trách nhiệm gây phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không bố trí vốn ngân sách Trung ương, bao gồm nguồn vốn kế hoạch hằng năm, ứng trước kế hoạch năm sau, dự phòng ngân sách Trung ương và các nguồn vốn ngân sách Trung ương khác cho các dự án khởi công mới chưa được thẩm định nguồn vốn; phê duyệt Quyết định đầu tư không đúng theo văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các dự án chuyển tiếp điều chỉnh tổng mức đầu tư theo các quy định./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1729
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)