(MPI Portal) - Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, ngày 21/02/2014 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam và Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam 2014. Diễn đàn này lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Chính phủ, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh và đại diện các Bộ, ngành liên quan, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Diễn đàn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan cập nhật thông tin và đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về những thực tiễn tốt trong nước và trên thế giới, đồng thời thảo luận về các thách thức và cơ hội của doanh nghiệp trong các lĩnh vực tiềm năng như phát triển doanh nghiệp xã hội, kinh doanh cùng người nghèo, tiết kiệm năng lượng…
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Internet
|
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã khẳng định quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và vai trò của doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo cơ chế phân bổ tài nguyên và nguồn lực bình đẳng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát việc phân bổ tài nguyên và nguồn lực.
Tại Diễn đàn, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá cao các nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển bền vững. Bà Pratibha Mehta cho biết, Liên Hợp Quốc tin tưởng vai trò của từng doanh nghiệp trong việc thực hiện tăng trưởng xanh là rất quan trọng. Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh, quan hệ đối tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ là cực kỳ quan trọng, để Chính phủ đưa ra những chính sách cụ thể tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Thomas Thomas, Giám đốc Mạng lưới Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp ASEAN (CSR ASEAN Network) trong bài trình bày “Tầm nhìn CSR ASEAN 2020” cho rằng khối tư nhân cần gắn bó chặt chẽ với Chính phủ và xã hội dân sự, cần tạo ra cơ chế cho sự gắn bó này.
Ông Chris Brown, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, trong sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và sự bất ổn của các nền kinh tế quốc gia và toàn cầu, nhu cầu phải có những phương thức tiếp cận sáng tạo hơn và đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế bền vững trở nên ngày một lớn.
Sáng kiến xã hội ra đời, góp phần giải quyết những vấn đề đó với những mô hình doanh nghiệp xã hội như thương mại công bằng, học tập từ xa, nông nghiệp đô thị, giảm thải, công lý phục hồi, nhà ở không phát thải, viện chăm sóc cho bệnh nhân giai đoạn cuối. Phần lớn các mô hình này hiện đang phát triển. Tuy nhiên, để tối ưu hóa ảnh hưởng tích cực của những mô hình sáng kiến xã hội, cần có sự nỗ lực chung sức của nhà nước, tư nhân và khối xã hội dân sự.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về giải pháp và mô hình phát triển bền vững như: Phát triển Doanh nghiệp Xã hội; Kinh doanh cùng người nghèo; Sử dụng hiệu quả năng lượng và Ứng phó với Biến đổi khí hậu; Báo cáo bền vững./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư