Ngày 26/9 tại thành phố Huế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2013, Triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược."
|
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)
|
Năm 2013, kinh tế Việt Nam ổn định với lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp, cán cân thương mại thâm hụt thấp, thặng dư lớn đã tạo điều kiện để ổn định tỷ giá và thực hiện một bước tiến quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm trong ngắn đến trung hạn do những vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế chưa được giải quyết, dẫn đến sự tiếp diễn của tình trạng tỷ lệ nợ xấu cao, tồn kho lớn với lĩnh vực bất động sản; suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Giải pháp chủ yếu trong năm 2013 và trong trung hạn vẫn là tiếp tục củng cố và tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách, đặc biệt là các chính sách tiền tệ và tài khóa một cách chặt chẽ và thận trọng.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để giải quyết triệt để các yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế đã được tích tụ trọng một giai đoạn dài.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc chúng ta cố gắng ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát và thắt chặt đầu tư công làm cho nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái kinh doanh khó khăn, một số buộc phải đóng cửa hay phá sản, kể cả các doanh nghiệp không hoạt động đầu cơ tài sản. Nên chăng, nhà nước, chính phủ cần có chính sách linh hoạt trong xử lý nợ xấu. Nhà nước nên quan tâm khôi phục ngắn hạn theo cơ chế cũ hay ưu tiên cải cách thể chế, và đẩy mạnh tái cơ cấu?
Đồng quan điểm này, tiến sỹ Trần Du Lịch nhận định, năm 2013 là năm thứ sáu và là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay.
Hiện tại kinh tế nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ mà nguyên nhân sâu xa vẫn là từ nội tại nền kinh tế; xuất phát từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; sự nhận thức không đúng với "căn bệnh" của nền kinh tế; sự thực thi các giải pháp ngắn hạn nhằm đối phó với tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng.
Việc điều hành kinh tế trong thời gian tới không nên đặt nặng mục tiêu phấn đấu tăng trưởng, mà vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; xây dựng niềm tin thị trường.
Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 tiếp tục làm việc đến ngày 27/9./.