(MPI Portal) – Ngày 16/5/2014, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cùng với TS. Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và TS. Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì Hội thảo. TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học – Giáo dục – Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tại Hội thảo báo cáo tham luận “Đánh giá hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta và ĐBSCL từ năm 2007 đến nay”. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ban ngành, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các Viện nghiên cứu, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn… và cơ quan thông tấn báo chí.
Tác động của biến đổi khí hậu
Các báo cáo tại Hội thảo cho thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện là một thách thức lớn đối với quá trình phát triển của nước ta. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã mang lại những cơ hội lớn cho người dân và các doanh nghiệp, nhưng tác động của biến đổi khí hậu cũng đe dọa tiến trình phát triển của đất nước hiện nay cũng như trong tương lai. Hệ quả của BĐKH ở Việt Nam là gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước và suy thoái môi trường, gây nhiễu loạn sinh thái, làm tăng lây lan các dịch bệnh, truyền nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người cũng như cây trồng, vật nuôi; làm giảm năng suất của một số loại cây trồng, suy giảm đa dạng sinh học, biến mất các nguồn gen quý hiếm; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt sẽ gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước, cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh…
Theo chỉ số dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, Việt Nam xếp thứ 13 trong số 16 quốc gia hàng đầu chịu tác động lớn nhất của BĐKH, trong đó vùng ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Theo kịch bản về BĐKH và nước biển dâng của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2012, nếu nước biển dâng lên 1 mét thì khoảng 39% diện tích (gần 1,6 triệu hecta) ĐBSCL bị ngập và khoảng 35% dân số (gần 6,3 triệu dân) sẽ bị tác động trực tiếp. Hiện nay, ĐBSCL đã và đang chịu tác động của mọi biến động tự nhiên và hoạt động của các quốc gia đầu nguồn sông Mê kông: mùa lũ hàng năm ở ĐBSCL có dấu hiệu biến động bất thường, tình trạng ngập lụt ở các đô thị trong vùng với diện tích rộng hơn và thời gian lâu hơn, hiện tượng sạt lở đất, triều cường, kèm theo bão, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên; thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, cùng với hiện tượng xâm ngập mặn dọc theo các tỉnh ven biển. Bên cạnh đó, các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê kông sẽ là những thách thức và khó khăn lớn mà ĐBSCL phải gánh chịu.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Chính sách pháp luật hiện hành và những kết quả đạt được
Kể từ năm 2005, sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, một số chính sách, pháp luật trực tiếp liên quan đến BĐKH được ban hành như Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (năm 2005); Nghị quyết số 60 của Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (năm 2008), Chiến lược quốc gia về BĐKH (năm 2011), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (năm 2012) và rất nhiều chính sách, pháp luật có liên quan đến BĐKH được ban hành trong các lĩnh vực tài nguyên, sinh học, nông lâm nghiệp, môi trường xây dựng, thủy lợi, giao thông, năng lượng, công nghiệp, y tế…
Qua đó, cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Chính phủ Việt Nam đối với việc chung tay ứng phó với BĐKH toàn cầu và tăng cường hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính trong lĩnh vực này. Chương trình “Thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu” của Chính phủ Đan Mạch năm 2008 đã đưa vào sử dụng một số mô hình thích ứng với BĐKHtại Quảng Nam và Bến Tre, được đánh giá cao và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng; mạng lưới trạm đo mưa tự động cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL được tăng cường, góp phần hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai, lũ lụt. Chương trình SP-RCC do JICA Nhật Bản và AfD Pháp khởi sướng năm 2009 đến nay có thêm WB, Canada, Ốt-xtrây-li-a, Hàn Quốc tham gia, đã có trên 200 hành động chính sách liên quan đến BĐKH, gồm 3 trụ cột: thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải nhà kính, khung thể chế và chính sách liên ngành, với 14 nhóm mục tiêu đã xây dựng và thực hiện, hình thành các diễn đàn đối thoại chính sách về BĐKH giữa các Bộ, ngành, các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã huy động được gần 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ và danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước: Tháng 12/2013, Hà Lan đã trình Chính phủ Việt Nam Kế hoạch ĐBSCL với mục tiêu duy trì một đồng bằng thịnh vượng, cả về kinh tế và xã hội dựa trên việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó tốt với những thách thức do BĐKH gây ra. Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam” do Chính phủ Na Uy tài trợ để Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực về thể chế và kỹ thuật ở cấp quốc gia để thực hiện REDD+, đồng thời triển khai thí điểm các mô hình thực hiện REDD+ tại một số địa phương.
Và một số mô hình thích ứng với BĐKH áp dụng trong sản xuất nông nghiệp như mô hình “Nông nghiệp các-bon thấp”, dự án do ADB tài trợ; mô hình “Cải thiện nông nghiệp có tưới”, dự án do WB tài trợ; mô hình “Thích ứng BĐKH ở ĐBSCL” do JICA tài trợ; mô hình “Ảnh hưởng của BĐKH đến sử dụng đất ở ĐBSCL – Sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa” dự án CLUES do ACIAR tài trợ; mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI); mô hình trồng rừng ven biển thích ứng với BĐKH… đã mang lại những kết quả lớn, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược ứng phó với BĐKH, từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp, phát triển bền vững.
Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực, chủ động của các Bộ, ngành, địa phương đã đem lại những kết quả đáng kể trong năng lực ứng phó với BĐKH: Nhận thức về BĐKH của các ngành, các cấp, tổ chức và người dân đã có bước chuyển biến tích cực; Thể chế, chính sách, bộ máy tổ chức về BĐKH bước đầu được thiết lập; Nhiều hoạt động thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện; Vai trò, vị thế của Việt Nam được nâng cao và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế được tăng cường.
Những đề xuất, nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về BĐKH
Hội thảo cũng ghi nhận những báo cáo từ các Bộ, ban, ngành, Viện nghiên cứu về đề xuất việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó BĐKH ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết biên soạn và ban hành Luật BĐKH và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống chính sách, quy phạm về phát thải khí nhà kính và giảm cường độ phát thải khí nhà kính. Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng và từng địa phương bị ảnh hưởng lớn của BĐKH, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch và có cơ chế chính sách riêng, đặc thù từng lĩnh vực cụ thể cho vùng ĐBSCL, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng dễ bị ảnh hưởng do BĐKH. Cần có chính sách đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác BĐKH đủ về số lượng và chất lượng. Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các hoạt động sản xuất xanh, thực hành tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải, đồng thời có những chế tài nặng hơn, xử lý hành chính các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm, tiêu hao nhiên liệu, tổn thất năng lượng cao.
Những đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh vào việc rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, hoàn thiện theo hướng đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chú trọng chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực; từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh theo hướng tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi để các ngành kinh tế xanh pháp triển; tăng cường ngân sách nhà nước cho công tác ứng phó với BĐKH, ngân sách đầu tư trực tiếp cho các dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư liên quan đến BĐKH vào kế hoạch hàng năm và 5 năm 2016-2020 của các Bộ, ngành, địa phương và của cả nước; tích cực tham gia các chương trình quốc tế về ứng phó với BĐKH nhằm tận dụng sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai các chương trình, dự án; mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BTO, PPP… và khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp, đầu tư tài chính cho các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư