Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/03/2013-09:32:00 AM
Kinh tế Nhật Bản kết thúc giai đoạn suy thoái kỹ thuật
Số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/3 cho thấy GDP của nước này trong quý IV/2012 tăng 0,2%, dấu hiệu cho thấy giai đoạn suy thoái vừa qua của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã kết thúc.

Các mã xuất khẩu của Nhật Bản đều tăng điểm mạnh mẽ

Kinh tế Nhật Bản đã giảm tăng trưởng trong hai quý liên tiếp từ tháng 4 đến tháng 9/2012 khi kim ngạch xuất khẩu giảm do khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, thị trường xuất khẩu chính của Nhật Bản, và việc đồng Yên tăng giá cũng như căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tháng 1/2013 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2012, lên mức 4.645,1 tỷ Yên nhờ nhu cầu khôi phục ở thị trường Mỹ và tăng trưởng tốt ở thị trường các nước Đông Nam Á. Song kim ngạch nhập khẩu tăng 6,6% lên mức 6.125,4 tỷ Yên mà nguyên nhân chủ yếu là tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Các số liệu công bố trước đó cũng cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản giảm xuống còn 4,2% trong tháng 1/2013, sản lượng công nghiệp cùng thời gian tăng 0,1% so với tháng trước đó và nền kinh tế vẫn ở tình trạng giảm phát, trong khi đồng Yên tiếp tục giảm giá khi có những thông tin rằng chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ thông qua một chính sách nới lỏng tiền tệ quyết liệt hơn. Tuy nhiên, sự biến động tỷ giá này đang giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản nâng cao được tính cạnh tranh lẫn doanh thu.
Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei, ngày 8/3 đã phục hồi mạnh mẽ trở về mốc “vàng son” thời điểm ngay trước khi Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ cách đây gần nửa thập kỷ, trong bối cảnh đồng Yên trượt giá tiếp thêm kỳ vọng cho giới đầu tư nước này về kết quả kinh doanh sáng sủa của các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Chỉ số Nikkei 225 vào thời điểm đóng cửa giao dịch ngày 8/3 đạt 12.283,62 điểm, tăng 315,54 điểm so với ngày 7/3 và vượt qua mức 12.214 điểm lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9/2008 ngay trước thời điểm Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ. Chỉ số TOPIX trên Sàn Giao dịch Tokyo cũng tăng 16,15 điểm lên mức 1.020,50 điểm. Chỉ số chứng khoán phục hồi mạnh mẽ này nhờ sự tăng giá các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu trong bối cảnh đồng đôla Mỹ tăng khiến giới đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ sau những dữ liệu khả quan về tình hình việc làm.
Các mã xuất khẩu của Nhật Bản đều tăng điểm mạnh mẽ, trong đó cổ phiếu của Mazda Motor tăng 14 Yên, tương đương 4,8%, lên 307 Yên, Công ty Công nghiệp nặng Fuji tăng 70 Yên (4,9%) lên 1.497 Yên trong khi hãng lốp xe Bridgestone tăng tới 140 Yên (4,5%) lên mức 3.230 Yên. Hãng sản xuất máy ảnh và thiết bị y tế Olympus cũng tăng 84 Yên (3,8%) lên mức 2.294 Yên và hãng sản xuất vi mạch điện tử Advantest tăng 55 Yên (4,1%) lên 1.394 Yên. Đặc biệt, nhân tố góp phần thúc đẩy chỉ số Nikkei biến chuyển mạnh là cổ phiếu của hãng Fast Retailing, công ty sở hữu nhãn hiệu hàng may mặc Uniqlo, đánh dấu mức tăng ấn tượng 2.310 Yên, tương đương 8,1%, lên 31.000 Yên.
Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty điện lực lại mất giá, trong đó Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng đồng Yên giảm giá, sụt mất 2 Yên (0,9%), xuống 217 Yên và Công ty điện lực Kansai (KEPCO) rớt 9 Yên, 1,2%, xuống còn 770 Yên./.
Bảo Trâm
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 901
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)