Kết luận phiên chất vấn và trả lời đại biểu Quốc hội từ ngày 12-14/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Quốc hội hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; cùng với các các ngành và đồng bào cử tri của cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn đạt được kết quả tích cực.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội
|
Các ý kiến của các đại biểu tại các kỳ họp trước cũng như kỳ họp này nói lên sự quyết tâm giải quyết tồn tại để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu hoàn thành kinh tế-xã hội do Quốc hội đề ra.
Trong phiên chất vấn ngày 14/6, giải pháp để đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu Quốc hội đề ra và tái cơ cấu hiệu quả là những vấn đề kinh tế quan trọng được các đại biểu Quốc hội chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Với chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) về những giải pháp cụ thể đẩy nhanh tốc độ để đảm bảo đạt mức độ tăng trưởng theo của báo cáo Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam mới thoát nghèo với bình quân thu nhập đầu người đạt 1.700 USD, tổng kim ngạch xuất khẩu 222 tỷ USD, quy mô như vậy còn nhỏ trong khi đó tình hình thế giới phát triển chưa ổn định, chưa có dấu hiệu tăng trưởng cao.
Việt Nam đã qua lạm phát ở nhiều chu kỳ khác nhau kéo dài, để phát triển bền vững, theo quan điểm Quốc hội, tăng trưởng cao nhưng lạm phát cao thì không có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân.
“Phải thực hiện chủ trương nhất quán mà Quốc hội nêu ra đầu năm 2013 đó là tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn đảm bảo an ninh xã hội. Trên tinh thần như vậy, muốn có sự đột phá nhưng nếu chỉ đạo không chặt chẽ sẽ dẫn đến tái lạm phát sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế đất nước. Chính vì vậy, chúng ta phải thực hiện những giải pháp để nền kinh tế đất nước phát triển bền vững,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Phó Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc, những giải pháp để đảm bảo tăng trưởng năm 2013 được Chính phủ đề ra là trước hết Chính phủ đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Thứ hai là thực hiện nghiêm Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển. Thứ ba là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản điều chỉnh vốn từ dự án chậm sang dự án cần thiết.
Cùng với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất tạo điều kiện phát triển thương mại, các ngành chức năng tiếp tục cải cách hành chính để giảm phiền hà và chi phí cho doanh nghiệp.
Về chính sách tài khóa năm 2013, năm nay sẽ cố gắng đưa tổng mức tín dụng năm tăng 12%, muốn vậy mỗi tháng còn lại phải giải ngân được 40.000 tỷ đồng, cùng với giảm lãi suất cho vay và khoanh nợ giãn nợ cho doanh nghiệp.
Đối với vấn đề lộ trình tái cơ cấu còn chậm theo chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng,nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện đụng chạm nhiều ngành, nhiều cấp nên phải có thể chế, cơ chế để cùng đồng thuận.
Thêm vào đó, thị trường tài chính thế giới khủng hoảng và thị trường trong nước khó khăn cũng gây ảnh hưởng một phần vì liên quan đến nguồn tài chính; nguồn nhân lực lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu chưa đảm bảo.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, Chính phủ sẽ ban hành cơ chế, thể chế để cùng thực hiện tốt hơn. Đó là thực hiện biện pháp nâng cao hiệu quả trong đầu tư công; chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư công. Tất cả những giải pháp đó góp phần phân cấp quản lý đầu tư công được tốt hơn.
Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo đề án, phương án đã được phê duyệt là tập trung xử lý nợ xấu, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kiểm tra giám sát đối với quá trình cổ phần hoá các tập đoàn, tổng công ty.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm rõ thêm về tình trạng tái cơ cấu của hai tập đoàn Vinashin và Vinalines. Theo Phó Thủ tướng, quá trình tái cơ cấu hai tập đoàn này cũng đang được tập trung thúc đẩy quyết liệt.
Chia sẻ với lo lắng của đại biểu Trần Du Lịch (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) về hiệu quả dự án alumin Tân Rai, Phó Thủ tưởng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã cùng tham gia trả lời chất vấn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư có đánh giá hiệu quả của thị trường cũng như hiệu quả của dự án. Nếu như dự án phát hiện không có hiệu quả thì có giải pháp để xử lý và nếu không xử lý được thì phải ngừng dự án để cho chủ đầu tư không bị thiệt hại hơn. Bộ Công Thương thực hiện đánh giá dự án này cẩn thận và trên cơ sở đó cũng đánh giá về yếu tố thị trường. Do điều kiện khủng hoảng của kinh tế thế giới, nhu cầu về sử dụng nhôm giảm sút, dẫn đến giá alumin giảm sẽ tác động đến hiệu quả của dự án.
Với tính toán dự báo giá alumin cho đời kinh tế 30 năm là 379 USD/tấn và thấp hơn dự báo của các công ty tư vấn khoảng 4,5 USD/tấn. Theo dự báo này, dự án vẫn có hiệu quả tuy thời gian lỗ lũy kế và thời gian thu hồi vốn bị kéo dài, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết./.